Khái niệm ái kỷ còn khá mới ở Việt Nam nhưng đã được phổ biến rộng rãi ở các nước phương Tây. Đó cũng là lý do tác giả đề cập đến "các bác sĩ tâm lý nước ngoài" chứ không phải tác giả đi gặp bác sĩ tâm lý hay đang bị bác sĩ mác nước ngoài nào đó lừa gạt như một số độc giả bình luận. Tôi đã và đang nghiên cứu đề tài này, thường xuyên sử dụng tài liệu và y văn tiếng Anh. Tôi mạo muội tóm tắt như sau:
Thứ nhất, ái kỷ không phải là căn bệnh mà là một loại nhân cách, tức là đã được hình thành từ nhỏ đến lớn, nhiều nguyên nhân như từng bị bạo hành, tổn thương, phân biệt đối xử hay do tự cá nhân lựa chọn. Vì không phải là bệnh nên không chữa được và cũng không lây lan được. Việc chúng ta cần làm là nhận biết những người có nhân cách này để bảo vệ mình, không bị lợi dụng, bạo hành. Với nạn nhân của ái kỷ, nếu là vợ/chồng cũng sẽ không "lây" ái kỷ vì khi trưởng thành, nhân cách một người đã hình thành xong. Nhưng với trẻ em lớn lên trong môi trường có cha mẹ ái kỷ, chúng có thể phát triển nhân cách này hoặc những vấn đề tâm lý khác.
Thứ hai, quả thực đề tài này còn quá mới ở nước ta. Có một số người, nhóm đã học và cố gắng truyền đạt kiến thức này. Thế nhưng độc giả cũng nên tìm hiểu nhiều nguồn để nhận ra kiến thức nào đúng, kiến thức nào đã bị xuyên tạc. Rất nhiều người chỉ tìm hiểu sơ đã đứng ra giảng dạy, không những không giúp nạn nhân của bạo hành ái kỷ mà còn làm họ thêm trầm cảm.
Thứ ba, ái kỷ có nhiều kiểu, không nên hiểu nôm na họ là những người yêu bản thân, thích soi gương, hay khoe khoang... Có những nhóm ái kỷ công khai huênh hoang, cũng có những người bề ngoài rụt rè, hướng nội. Tuy vậy, điểm chung là họ cần được quan tâm, ngưỡng mộ, cần được vuốt ve và luôn đóng vai nạn nhân. Người ái kỷ bạo hành những người thân cận của họ, như vợ/chồng/con, đồng nghiệp, nặng nề nhất là mối quan hệ vợ chồng. Hiện ở Việt Nam rất ít bác sĩ tâm lý chẩn đoán nhân cách này, chỉ có thể giúp các nạn nhân nhận diện xu hướng tính cách của người đang bạo hành mình để từng bước bảo vệ mình.
Những đặc điểm cốt lõi để nhận diện ái kỷ là việc họ không có khả năng thấu cảm (tức không thể đồng cảm ngay cả khi người thân đang đau khổ), họ luôn muốn được quan tâm chú ý, không tôn trọng ranh giới cá nhân (tức không cảm thấy ngại khi đòi hỏi vô lý từ người khác, không chấp nhận bị từ chối), họ hay đóng vai nạn nhân, đổ lỗi, tiêu chuẩn kép... và nghiêm trọng hơn tất cả, họ thao túng tinh thần. Để được quan tâm, có lợi cho mình, buộc nạn nhân không thể rời xa mình, họ phải thao túng, đổ lỗi cho nạn nhân, dìm hàng, sử dụng vòng lặp "lý tưởng hóa, hạ thấp giá trị, chối bỏ" mà tác giả bài viết kia đã đề cập, nhằm dần dần khiến nạn nhân cảm thấy mình vô dụng, ngày một lún sâu, chấp nhận sự bạo hành, thậm chí nghiện việc bị bạo hành.
Thứ tư, những gì tác giả mô tả về hậu quả lên sức khỏe tinh thần và thể chất của mình trong bài viết là đúng. Về thể chất, nạn nhân sẽ yếu ớt, đau vai gáy, đau dạ dày, bệnh gan thận, bệnh tự miễn, giảm trí nhớ... Về tinh thần thì căng thẳng, cảm giác như đi bộ trên lưỡi dao, lo âu, trầm cảm. Đáng sợ nhất là cảm giác thấy mình không đủ tốt, không xứng đáng được hạnh phúc, phải hy sinh nhiều hơn, không xứng đáng được đòi hỏi bất cứ điều gì dù là những điều cơ bản như ăn món mình thích, đi khám bệnh, uống nước khi khát... Trích lời tác giả "cô đơn và bất lực dù cố gắng và nỗ lực để tu sửa mình", "cuộc sống của bạn trở nên bế tắc, ngột ngạt". Nạn nhân của ái kỷ sống chỉ để hài lòng người ái kỷ và cực kỳ khó để rời đi. Đây là hậu quả của những chiêu thức thao túng đã đề cập ở trên.
Đặc biệt trong mối quan hệ vợ chồng, khi người chồng là ái kỷ, anh ta có vô vàn chiêu thức thao túng, từ khóa là "gaslight", để khiến người vợ dần nghi ngờ bản thân, cảm thấy vô dụng, dù bất hạnh mà không biết phải làm sao để thoát ra, chưa kể những rào cản văn hóa, kì thị khi người vợ tự ý ly hôn hay ràng buộc về con cái, tài sản... Người vợ thường phải chịu thiệt, hoặc là con cái hoặc là tài sản, hoặc cả hai thì mới có thể ly hôn người chồng ái kỷ. Người càng bị bạo hành lâu, tinh thần và thể chất càng yếu ớt, nghiện bạo hành càng nặng, thế giới quan bị bóp méo, khó nhìn nhận đúng sai... càng khó thoát. Cho nên với các bạn đã vô tình trách móc tác giả bài trước, rằng sao chị ấy không ly hôn, xin hãy dành cho chị ấy sự cảm thông nhé.
Thứ năm, người ái kỷ ra ngoài xã hội luôn có hình ảnh đẹp. Trích lời tác giả bài viết trước: "Một người lớn chưa trưởng thành dưới vỏ bọc của những người mẫu mực, chỉn chu và thành đạt". Họ thường được khen là tốt, đạo đức..., vì đấy là cách sống của ái kỷ. Họ cực kỳ chú ý giữ hình ảnh, khiến mình tốt còn nạn nhân mới là người kém cỏi. Vậy nên thường nạn nhân của ái kỷ rất cô đơn. Họ không thể giải thích cho người ngoài hiểu vấn đề của mình vì các khái niệm về ái kỷ còn xa lạ ở Việt Nam, cũng như việc ái kỷ luôn có hình ảnh đẹp ở bên ngoài. Thành ra chẳng mấy người tin, thậm chí còn trách ngược nạn nhân. Đã yếu ớt, trầm cảm, bị ràng buộc lâu ngày, nghĩ mình không xứng đáng, lại còn cô độc trong hành trình tự giải thoát, có thể nói là cực kỳ khổ. Một lần nữa, mong độc giả đừng vội buông lời trách móc, các bạn có thể đẩy nạn nhân ái kỷ xuống vực sâu tuyệt vọng và trầm uất.
Thứ sáu, có nhiều nhóm ái kỷ, nguy hiểm nhất là loại ác tính (psychopath) hay "biến thái", "thái nhân cách". Họ vừa ái kỷ vừa thao túng vừa có xu hướng kiểm soát cưỡng chế. Ví dụ không cho vợ/chồng nghe điện thoại, mặc đẹp, đi đâu phải báo cáo..., vừa bạo lực thể chất, vừa có những hành vi tự hủy (đe dọa nạn nhân). Lúc này việc rời đi có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân. Những trường hợp này, nạn nhân phải khéo léo lên kế hoạch tỉ mỉ, dài hơn để có thể rời đi an toàn.
Thứ bảy, nạn nhân của ái kỷ không phải vì xui mà kết hôn với ái kỷ. Họ đều có những phẩm chất nào đó khiến mình trở thành đối tượng yêu thích của ái kỷ. Ví dụ, họ cũng có cha mẹ ái kỷ, đồng phụ thuộc, EQ thấp, quá thấu cảm, có trách nhiệm cao, muốn giải cứu... Ở Việt Nam, phần lớn nạn nhân nữ của ái kỷ hay rơi vào nhóm đồng phụ thuộc, tức là định nghĩa giá trị của mình qua việc hy sinh, cống hiến cho người khác. Những câu nói như: "Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng", "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", "Phụ nữ tam tòng tứ đức, thạo việc nước, đảm việc nhà", ''Phúc đức tại mẫu", "Giữ cha cho con", "Lấy chồng theo chồng, phụng sự nhà chồng", "Gái có công chồng chẳng phụ", "Ly hôn là xấu mặt cha mẹ hai bên"... đã khiến rất nhiều phụ nữ lấy việc hy sinh, chăm lo cho chồng con làm lẽ sống.
Với cha mẹ ái kỷ, con cái sẽ lấy chữ hiếu làm đầu. Điều này không xấu, nhưng trong mối quan hệ với ái kỷ, nó trở nên cực đoan, tới mức họ sẵn sàng hy sinh sức khỏe, từ bỏ mọi nhu cầu cơ bản của bạn thân, mọi sở thích, miễn là cha mẹ/chồng con khỏe mạnh, thành công, nếu không hy sinh đủ họ sẽ cảm thấy mình không đủ tốt. Điều đó càng khiến nạn nhân không dám rời khỏi ái kỷ.
Thứ tám, cách tốt nhất để thoát khỏi ái kỷ là đi xa, ly dị... nhưng có những mối quan hệ không thể tách được, ví dụ ruột thịt hay những người vợ/chồng không thể ly hôn, như thế vẫn có cách sống chung nhưng an toàn hơn. Nạn nhân cần phải được phổ biến kiến thức tốt để không bị thao túng, từng bước xây dựng lòng tự tôn, niềm tin vào cuộc sống, thiết lập ranh giới cá nhân để ái kỷ không thể lợi dụng, cũng như bảo vệ con cái không phát triển những nhân cách độc hại.
Thứ chín, bạn tác giả dùng nhiều thuật ngữ đúng như cơn giận ái kỷ, hút bụi (tức khi nạn nhân muốn rời đi, ái kỷ sẽ ngon ngọt dỗ dành đối xử tốt với họ, hoặc dọa dẫm, kiểm soát, thao túng để nạn nhân quay lại), cho thấy bạn đang tìm hiểu về ái kỷ. Hãy tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn những kiến thức đúng đắn, tìm những hội, nhóm lành mạnh để được hỗ trợ tinh thần. Hãy nhớ rằng, bạn không cô đơn, rất nhiều người cũng như bạn và dần dần các bạn sẽ tìm ra lối đi để sống hạnh phúc, bình an. Chỉ cần bạn lưu ý, tìm hiểu kiến thức ở nhiều nguồn, luôn luôn kiểm tra lại thông tin và đặt lòng tin đúng chỗ bạn nhé.
Thùy Vân