Trong cả 3 dạng thử nghiệm va chạm phía đầu xe, Viện Bảo hiểm và an toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) đều chỉ giới hạn tốc độ 64 km/h thay vì 80, 90 hay 100 km/h trở lên như luật giao thông đường bộ cho phép.
Theo Raul Arbelaez, phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu ôtô của IIHS, cơ quan này không cố bắt buộc những chiếc xe phải an toàn trong những tai nạn nghiêm trọng nhất, mà tìm cách để các phương tiện này an toàn hơn trong những trường hợp tai nạn phổ biến.
Tốc độ thử nghiệm được lấy khoảng giữa của những tai nạn trong thực tế, với tổng số tai nạn lớn nhất. Việc chọn được đúng dải tốc độ cũng rất quan trọng, vì sẽ có được những tác động có ý nghĩa đối với cách mà những chiếc xe được thiết kế. Nếu thử nghiệm ở tốc độ cao hơn, như khoảng 130 km/h, có thể gây tác động tiêu cực đến sự an toàn.
"Có một số hậu quả không lường trước với việc đó (thử nghiệm ở tốc độ cao hơn), gồm việc giảm độ an toàn ở những tai nạn có mức độ nhẹ hơn. Điều sẽ xảy ra là xe của bạn sẽ phải cứng chắc hơn để thể hiện tốt hơn trong tai nạn nghiêm trọng hơn", Arbalaez nói.
Có nghĩa, nếu thực hiện thử nghiệm va chạm ở các tốc độ cao hơn, ôtô sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn, dù số vụ tai nạn ở những dải tốc độ cao không nhiều bằng ở mức 64 km/h. Điều này là không cần thiết.
Ngoài ra, dù chỉ tăng tốc độ lên 16 km/h cũng có thể tạo ra những tác động quan trọng đối với thiết kế xe hơi. Ở tốc độ 80 km/h, tức nhanh hơn 25% so với 64 km/h, thì lực va chạm thực tế tăng 56%, hậu quả từ tác động đối với ôtô sẽ rất khác, vì thế thiết kế ôtô cũng phải thay đổi nhiều hơn để có thể đáp ứng tiêu chuẩn.
Mỹ Anh