Vài tháng trước chị đã gặp bốn phụ nữ này khi đi thể dục quanh bờ hồ ở quận Ngô Quyền. "Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu họ không mặc đồ tập bó sát và thực hiện các động tác mà người ngoài thấy 'nóng mắt' như đang khoe cơ thể, thô tục và phản cảm", Thùy Linh, 35 tuổi nói.
Theo chị và những người xung quanh, yoga là bộ môn nên tập ở nơi kín đáo, yên tĩnh, tập trung vào hơi thở và nhịp điệu của các động tác thay vì khoe thân ở nơi công cộng.
Bích Mai, 30 tuổi, ở Hà Nội tập yoga được ba năm, cho rằng bộ môn này giống như khiêu vũ, tập dưỡng sinh, aerobic có thể tập trong phòng hoặc nơi công cộng. Ngoài lúc cần giáo viên chỉnh sửa tư thế tại phòng tập, các học viên có thể ra ngoài hòa mình vào thiên nhiên, tìm sự bình yên trong tâm hồn. Hay mỗi lúc luyện được động tác khó, chị Mai cũng muốn thể hiện kỹ năng ở nơi có cảnh đẹp để chụp hình.
"Tập ở đâu là quyền của mỗi người, miễn sao không phạm pháp. Ai không thích nhìn thì quay đi, tôi đâu ép", chị Mai nói.
Thời gian gần đây chủ đề tập yoga ở nơi công cộng nhận được nhiều sự quan tâm. Đầu tháng 11, tài khoản H.H chia sẻ hình ảnh mặc đồ tập và thực hiện các động tác yoga bên ngoài hoàng cung Gyeongbokgung ở Seoul, Hàn Quốc. Ngay khi chia sẻ, bài viết đã nhận hơn hai triệu lượt quan tâm và bình luận trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đa số các ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc cho rằng người phụ nữ có hành động không phù hợp tại địa điểm lịch sử.
"Tập yoga là để khỏe mạnh chứ không phải để tạo những hình ảnh phản cảm ở nước bạn. Yoga không sai, chỉ là người tập có nhận thức lệch lạc", người dùng Lê Vân bình luận.
Đây không phải lần đầu hình ảnh tập yoga ở nơi công cộng vấp phải phản ứng mạnh của cộng đồng. Hồi tháng 10, một thanh niên chia sẻ bức ảnh chụp địa điểm săn mây ở Đà Lạt bị hai phụ nữ "chiếm dụng" để tập yoga. Hay một du khách nước ngoài cũng tỏ sự lạ lẫm khi thấy nhóm phụ nữ đang tập yoga trên đỉnh Fansipan (Lào Cai).
Không chỉ ở Việt Nam, chủ đề tập yoga tại nơi công cộng, điểm check-in cũng tạo những cuộc tranh luận không hồi kết ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Những người ủng hộ cho rằng cần khuyến khích tập yoga ở mọi nơi để cải thiện sức khỏe. Phía phản đối cho rằng thực hiện những động tác yoga tạo ra hình ảnh phản cảm, thô tục ở nơi công cộng.
Đầu năm 2024, cư dân thành phố San Diego, bang California (Mỹ) phản ánh đến chính quyền khi các lớp học yoga đông đến nỗi tắc nghẽn các điểm ngắm cảnh nổi tiếng. Số khác báo cáo về việc bị chặn lối đi và gây tiếng ồn trong công viên, buộc giới chức của thành phố này phải ra quy định cấm các lớp yoga tại một số điểm check-in và công viên.
Chị Đỗ Trà My, huấn luyện viên yoga ở Hà Nội với 10 năm kinh nghiệm, nói có thể hiểu động cơ của một số người thích trình diễn ở nơi công cộng.
Theo chị, để chinh phục một động tác khó trong yoga một người phải kiên trì suốt 5-7 năm. Khi đến những nơi đẹp, họ muốn thực hiện lại động tác đó và chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm và ghi lại khoảnh khắc của thanh xuân.
Chưa kể, không phải ai cũng có đủ điều kiện đi du lịch thường xuyên, nên khi đến một nơi đẹp mọi người sẽ nảy sinh tâm lý muốn chụp một bức ảnh để đời. "Việc một số tập yoga ở nơi công cộng, điểm check-in đơn thuần là muốn chia sẻ niềm vui, sự khổ luyện đã đạt được", chị Trà My nói.
Tuy nhiên nữ huấn luyện viên thừa nhận tâm lý khó chịu của những người chứng kiến. Trang phục yoga thường bó sát, không phù hợp ở một số điểm công cộng. Chưa kể, một số học viên tràn xuống lòng đường cao tốc, cầu sắt để tập cũng gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Để hài hòa, chị My khuyên mỗi cá nhân cần biết cách tiết chế, suy tính thiệt hơn trước khi thực hiện. Nếu có nhu cầu chụp ảnh tạo dáng yoga tại địa điểm đẹp nên đi sớm, tránh nơi đông người. Quá trình chụp cần nhanh gọn, ưu tiên trang phục rộng rãi, thoáng mát.
"Có thể lúc mới tập các bạn thích khoe việc mình chinh phục được động tác khó nhưng đến một lúc nào đó mỗi cá nhân sẽ quay về tập luyện đơn giản, sâu lắng như trong căn phòng thoáng đãng, nhiều cây xanh hoặc ở ban công cũng có thể cảm nhận được lợi ích từ yoga với sức khỏe", nữ huấn luyện viên nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng ngoài nguyên nhân "muốn ghi dấu ấn" như huấn luyện viên Đỗ Trà My nói, kỳ vọng nổi tiếng, nhận nhiều lời tán dương trên mạng xã hội cũng khiến một số người hành động quá lố.
Ngoài thay đổi nhận thức của người tập, chuyên gia cho rằng dư luận xã hội cần lên án, thẳng thắn góp ý, phê phán các hành vi lệch chuẩn. Cơ quan chức năng nên đưa ra chế tài xử lý phù hợp, tránh để hành vi không hợp thuần phong mỹ tục tiếp diễn, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Như ngày 19/5, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết UBND thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương đã ra quyết định xử phạt hành chính với 14 người với hành vi nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông. Trước đó sáng 17/5, nhóm người này đã thực hiện các thế yoga giữa đường để chụp ảnh kỷ niệm mùa hoa bằng lăng.
Riêng với người phụ nữ ở Hà Nội tập yoga ở cung Gyeongbokgung (Seoul), sau khi nhận sự phản ứng dữ dội của cộng đồng, người này đã khóa trang cá nhân, xóa bài đăng hình tập yoga trong các hội nhóm.
Quỳnh Nguyễn