Ngày 7/2, một viện dưỡng lão ở New York đã tuyên tử vong cho một người phụ nữ 82 tuổi. Người này sau đó được phát hiện là còn sống. Sự cố tương tự xảy ra với một bệnh nhân 66 tuổi, mắc chứng mất trí nhớ ở Iowa. Bà được tìm thấy trong tình trạng thoi thóp khi các nhân viên nhà tang lễ mở túi đựng xác.
Đây là các trường hợp rất hy hữu. Trước đây, theo phong tục của hải quân cũ, khi may tấm vải liệm thủy thủ qua đời, người thợ may sẽ khâu mũi kim cuối cùng xuyên qua mũi của người quá cố. Đây được coi là tác nhân kích thích đủ mạnh để đánh thức bất kỳ thủy thủ nào còn sống.
Việc xác nhận tử vong ngày nay nhẹ nhàng hơn nhiều. Bác sĩ cần kiểm tra sinh hiệu của người bệnh như nhịp tim, hơi thở, đồng tử co giãn và phản ứng với các kích thích bên ngoài. Tất cả bác sĩ đều được dạy điều này khi còn học trong trường và đều ý thức được nhiệm vụ của mình.
Dù vậy, vẫn có những trường hợp bệnh nhân đột ngột tỉnh lại sau khi được xác nhận đã chết.
"Tôi đã thấy điều này xảy ra trong những năm qua. Một ngày nọ, đồng nghiệp của tôi thông báo một phụ nữ lớn tuổi qua đời. Nhưng một lúc sau, bà bắt đầu thở lại, mạch nhanh chóng phục hồi", Stephen Hughes, giảng viên cấp cao về y tế, Đại học Anglia Ruskin, nói.
Trong một sự cố khó quên khác, Hughes và các đồng nghiệp được triệu tập cho tình huống khẩn cấp. Nữ bệnh nhân uống quá liều thuốc an thần điều trị động kinh. Bác sĩ chứng nhận cô đã tử vong. Tuy nhiên khi đến nhà xác, nhân viên y tế nhận thấy một chân của cô bị co giật. Người này sau đó hồi phục.
Việc không thực hiện đúng quy trình xác nhận tử vong có thể dẫn đến một số trường hợp tuyên bố nhầm cái chết của bệnh nhân. Bác sĩ khám tổng quát bị phân tâm, không nghe được tiếng nhịp tim và phát hiện hơi thở nông. Một số loại thuốc điều trị bệnh cũng khiến nhiều người rơi vào trạng thái "tử vong giả".
Thuốc an thần có tác dụng bảo vệ não bộ khỏi bị hư hại, thường được sử dụng để gây mê trong các ca phẫu thuật lớn, đặc biệt nếu bác sĩ cần ngừng tuần hoàn bệnh nhân trong thời gian dài. Dùng quá liều thuốc an thần có thể làm giảm khả năng phản ứng, làm suy hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến cảm giác gần giống cái chết. Cùng lúc, não được bảo vệ khỏi tình trạng thiếu oxy. Sau khi thuốc đào thải khỏi cơ thể, bệnh nhân tỉnh lại.
Diazepam (biệt dược Valium), alprazolam (biệt dược Xanax) đều dễ khiến bệnh nhân bị tuyên bố nhầm là đã chết.
Một số độc tố có tác dụng tương tự. Thời Trung cổ, các thầy bùa thường cho nạn nhân sử dụng loại bột có chứa chất độc tetrodotoxin lấy từ cá nóc, làm tê liệt nạn nhân. Người này sau đó bị bắt cóc, chôn cất và thực hiện "lễ tế làm nô lệ". Thực tế, đây gọi là tình trạng "thây ma hóa", xảy ra khi con người bị nhiễm độc tetrodotoxin.
Ngâm mình trong nước lạnh quá lâu cũng có thể dẫn đến trạng thái gần giống tử vong, bởi nhiệt độ thấp có tác dụng làm chậm nhịp tim. Nhiều người đã tỉnh lại sau khoảng thời gian dài, được báo cáo trong các tài liệu y khoa.
Trong y học cấp cứu, các bác sĩ không được phép ghi nhận tử vong đối với bệnh nhân chết đuối cho đến khi ủ ấm họ đủ thời gian mà vẫn không tỉnh lại. Nhiều trường hợp phục hồi thần kinh sau khoảng 70 phút.
Ngất xỉu cũng có thể khiến bác sĩ nhầm lẫn. Tình trạng kích hoạt dây thần kinh phế vị (dây thần kinh sọ dài nhất trong cơ thể) xảy ra khi ngất xỉu làm tim đập chậm lại, giảm huyết áp.
Năm 2015, một nữ sinh mang thai được kết luận tử vong vì sốc sau khi nghe thấy tiếng súng trong khu phố. Một ngày sau đám tang, nhiều người cho biết họ nghe thấy tiếng cô la hét trong ngôi mộ của mình.
Thục Linh (Theo Conversation)