Theo dõi sát diễn biến sạt lở tại miền Tây hàng chục năm qua, tiến sĩ Dương Văn Ni (Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ) cho rằng, tình trạng sạt lở như bờ sông Vàm Nao là hậu quả tất yếu của việc khai thác cát vô tội vạ.
"Hễ thăm dò thấy chỗ nào có cát là cấp phép khai thác mà không nghiên cứu kỹ loại nào được tái tạo hàng năm và loại nào nằm vĩnh viễn dưới đáy sông? Phải chấm dứt tình trạng xin phép một và khai thác gấp mười lần", tiến sĩ nói và cho biết hơn mười năm trước đã cùng các nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo nhưng một số người có trách nhiệm nói rằng các ông "phỏng đoán", làm "giật gân".
Ông cho rằng, khi hiện trạng đáy sông đã ổn định vài chục đến vài trăm năm, đồng nghĩa với sự ổn định của đôi bờ. Nhưng tình trạng quản lý kém, khai thác cát bừa bãi tạo ra xáo trộn lớn. Cao trình đáy ngày càng hạ xuống làm cho lượng nước trong đất liền đổ ra sông nhiều hơn bình thường.
"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì chắc chắn hai bên bờ sông sẽ sạt lở rất nghiêm trọng hơn cả vụ Vàm Nao. Nhà cửa, đất cát, công trình… bị sụp xuống để tái tạo lại độ dốc, độ nghiêng của dòng sông và bù khối lượng mất đi ở đáy", tiến sĩ nói.
Một vấn đề khác mà tiến sĩ đề cặp, đó là hiện nay nhiều nơi hai bên bờ các sông ở miền Tây làm đê kè. Dòng sông như một cái máng, áp lực dòng chảy tăng quá lớn cũng góp phần tạo ra sạt lở những nơi chưa được kè.
Đồng thời, chuyên gia này cho rằng phải nhìn thấy nguy cơ miền Tây xói mòn rất lớn khi Trung Quốc làm các đập thủy điện trên đầu nguồn sông Mekong. Bởi cát bồi đắp đồng bằng sông Cửu Long hình thành trên núi non của lãnh thổ nước này. Mỗi năm cát theo dòng nước trôi dần xuống hạ nguồn, có khi cả trăm năm mới về đến miền Tây. Nhưng gần chục năm nay, khi các đập đã ngăn dòng thì gần như toàn bộ lượng cát thô gần như không còn về nữa.
"Đồng bằng này có đất để chúng ta ngồi được trên đó thì quá trình bồi vô phải lớn hơn quá trình lấy ra. Nhưng hiện nay, lượng phù sa bồi vô, trong đó có cát, sỏi, sạn… nhỏ hơn lượng mất đi", tiến sĩ Ni nói và dẫn chứng hơn chục năm trước, khi chưa có các đập trên sông Mekong, lượng phù sa đổ về miền Tây mỗi năm 170-180 triệu tấn một năm. "Giờ thì con số này giảm còn phân nửa, riêng cát thô, sỏi sạn hầu như không còn dẫn đến nguy cơ tan rã đồng bằng là thật sự", ông nói thêm.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ - cho rằng, từ 5.000-6.000 năm trước, miền Tây hình thành và phát triển dần là nhờ lũ - một phần quan trọng của hệ sinh thái vùng này. Trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn ra biển do lượng phù sa bồi đắp từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Nhưng nhiều năm liền lũ ít nên biển xâm thực càng mạnh. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m.
"Đã không có lũ bồi đắp mà tình trạng khai thác cát bừa bãi như hiện nay thì có thể chỉ vài trăm năm, hơn một nửa diện tích đất đai vùng châu thổ Cửu Long bị biến khỏi bản đồ Việt Nam", tiến sĩ Tuấn lo ngại.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, miền Tây hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450 km. Sạt lở thường diễn ra vào đầu và cuối mùa lũ, khi dòng chảy chưa tràn bờ, đặc biệt khi lũ xuống, quy mô sạt lở thường lớn với chiều dài từ vài trăm mét đến vài km.
Gần đây, sạt lở bờ sông xảy ra trong mùa khô ở các con sông chính lẫn kênh rạch, điển hình là bờ sông Vàm Nao vừa qua. Mỗi năm sạt lở cuốn trôi 500 ha đất, hiện có hàng chục nghìn hộ dân sống trong vùng bị sạt lở đe doạ, cần sớm được di dời.
Tuy nhiên, chính quyền các địa phương găp khó khó khăn về kinh phí, quỹ đất nên tập trung ưu tiên cho di dời dân ở những vùng sạt lở khẩn cấp, nguy hiểm nhất... Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng một triệu người bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất tại đồng bằng sông Cửu Long.
>> Video: Sóng biển cao hơn 3 m, đánh sập bờ kè ở miền Tây
Cửu Long - Phúc Hưng