Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, có cuộc trao đổi với VnExpress về tình hình mưa lũ đang diễn ra.
- Thưa ông, vì sao đợt mưa những ngày qua lại khiến miền Bắc và Bắc Trung Bộ thiệt hại nặng như vậy?
- Đợt mưa trong hai ngày 9-10/10 do tác động của hai hình thái thời tiết - áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Đổ bộ vào Nghệ An - Hà Tĩnh rạng sáng 10/10, áp thấp nhiệt đới chỉ gây mưa vừa cho hai tỉnh này, nhưng đã tạo ra một sóng khí áp lan truyền tới phía Bắc, gây mưa lớn cho Thanh Hóa, phía nam đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh phía tây như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.
Không khí lạnh giai đoạn đầu mùa không phải là dạng gió bắc hay đông bắc mà là gió đông và đông đông bắc, di chuyển về Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) rồi tràn xuống Việt Nam. Không khí lạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới hay bão gây ra mưa lũ khủng khiếp.
Tôi phải nhấn mạnh thông thường vào mùa thu, chỉ không khí lạnh, hoặc là áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to. Nhưng mấy ngày qua, hai yếu tố này lại kết hợp tạo nên một đợt mưa lớn. Rất nhiều điểm mưa trên 400 mm, cá biệt tại Bến Thượng (Thanh Hóa) tới 536 mm. Mực nước sông Hoàng Long ở Ninh Bình cao kỷ lục, tại Bến Đế (Gia Viễn) là 5,49 m, cao hơn lũ lịch sử năm 1985 tới 29 cm.
Một nguyên nhân nữa là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến các trận mưa có tính cực đoan và khó lường.
- So với quy luật nhiều năm, việc miền núi phía Bắc mưa liên tiếp trong ba tháng qua được nhìn nhận thế nào?
- Phải khẳng định lượng mưa năm nay ở hầu hết tỉnh thành cao hơn so với trung bình nhiều năm rất nhiều.
Tại vùng núi phía Bắc, mưa đặc biệt lớn và kéo dài. Đợt mưa đầu tháng 8 gây lũ quét và sạt lở đất ở Yên Bái, theo đánh giá ở khu vực suối Nậm Păm (Mường La) có khoảng một triệu m3 đất đá dịch chuyển và sạt lở. Để dịch chuyển số đất đá đó cần khoảng 5 triệu m3 nước. Số nước này không thể được tạo ra từ mấy ngày mưa mà phải được tích tụ cả tháng trước đó rồi.
Tại Hòa Bình, chỉ trong ngày 9-11/10, hàng loạt điểm ghi nhận lượng mưa xấp xỉ 500 mm. Nước về hồ thủy điện Hòa Bình trưa 11/10 lên gần 16.000 m3/s, buộc phải mở 8 cửa xả đáy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà máy mở 8 trong số 12 cửa xả đáy.
Trước đó tháng 8/1996, một áp thấp nhiệt đới đã gây lũ kỷ lục cho hồ Hòa Bình với lưu lượng 22.500 m3/s. Nhưng đó là vào tháng 8, còn lần này là tháng 10, khi mưa mùa hè đã giảm. Vì vậy, đây được coi là trường hợp đặc biệt, hiếm gặp.
- Nhiều cụm dân cư bị sạt lở, vùi lấp, người dân không kịp trở tay. Ông đánh giá thế nào về công tác dự báo đợt mưa này?
- Việc này hãy để các địa phương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá.
Nước lũ đổ về hạ lưu Thanh Hóa, nhiều hộ dân ngập sâu.
- Hồ Hòa Bình lần đầu tiên trong lịch sử mở 8 cửa xả đáy, việc này sẽ tác động thế nào tới trung tâm Hà Nội?
- Hồ Hòa Bình trưa qua mở 8 cửa xả đáy. Do mưa giảm, lưu lượng nước về hồ giảm nên đến tối cùng ngày hồ chỉ còn mở 6 cửa và sáng nay còn 4 cửa. Dự kiến tối 12/10 hồ chỉ còn mở hai cửa xả đáy.
Việc xả lũ hồ Hòa Bình đã gây ngập lớn cho vùng hạ du sông Đà, đoạn từ thành phố Hòa Bình đến cầu Trung Hà (nối liền Hà Nội và Phú Thọ). Khi các hoạt động kinh tế ven sông như nuôi cá lồng bè đang diễn ra tấp nập, ảnh hưởng của mưa lũ sẽ càng nghiêm trọng.
Khu vực sông Hồng không chịu ảnh hưởng lớn do xả lũ, trừ những bãi giữa. Lũ trên sông Hồng chủ yếu ở mức xấp xỉ báo động 1 (8-9 m), hệ thống đê điều sẽ không vấn đề gì.
- Dự báo mưa lũ trong những ngày tới sẽ thế nào?
- Mưa ở Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ đã giảm, Đông Bắc Bộ còn một vài nơi. Chỉ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là có mưa vừa và một số nơi mưa to. Hình thái thời tiết này sẽ tiếp diễn trong ít nhất ba ngày tới.
Một cơn bão mới lại hình thành. Khi vào bắc biển Đông, bão gặp không khí lạnh tràn xuống vào đêm 15/10. Hai yếu tố này kết hợp, bẻ cơn bão đi xuống phía tây.
Vì vậy, chúng tôi dự kiến bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa vừa và mưa rất to ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi từ đêm 15 đến hết 18/10. Các tỉnh ở Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ cũng sẽ có mừa vừa, một số nơi mưa to.
Rất khó đánh giá độ mạnh của bão ở thời điểm hiện tại, nhưng bão đạt cấp 8-9 là điều chắc chắn.
- Từ nay đến cuối năm, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của bao nhiêu cơn bão?
- Do ảnh hưởng của La Nina yếu, mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu sớm và kết thúc muộn. Điều này đã được chúng tôi cảnh báo từ trước. Trong tháng 10, có ít nhất 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tháng 11 cũng sẽ có 1-2 cơn. Các trận mưa liên tiếp xảy ra và có khả năng lặp lại nhiều trận mưa to.
La Nina gắn liền với mưa bão. Như năm 2013, biển Đông có tới 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Năm nay có dấu hiệu như vậy.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, số lượng cơn bão sẽ tăng ít, nhưng độ mạnh lại cao hơn. Những hình thái thời tiết cực đoan, bất thường như mưa lớn cuối mùa ở đồng bằng sông Cửu Long hay bão muộn vào tháng 11-12 ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Bộ và Nam Trung Bộ có thể xảy ra.
Trước đây, mọi người cứ nghĩ vài chục năm mới có một cơn bão đổ vào Nam Bộ. Nhưng sau cơn Linda năm 1997, bão ảnh hưởng đến khu vực này ngay trong năm 2006 và 2012 và cơn bão sau thường cực đoan hơn cơn trước. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Lũ sông lên cao làm hàng loạt đê điều, đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố. Các tỉnh miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Thống kê đến chiều 12/10, có 53 người chết, 21 người mất tích. Con số này chưa dừng lại bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận. |