Ở tuổi 33 và 24 ngày, LeBron James trở thành người trẻ nhất đạt tới cột mốc 30.000 điểm tại NBA trong trận đấu với San Antonio Spurs cuối tháng vừa qua. Anh cũng giữ kỷ lục người trẻ nhất đạt được các cột mốc 10.000 và 20.000 điểm tại giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh.
Vài tuần sau khi tự ghi tên vào lịch sử, James tiếp tục chơi thăng hoa trong trận All-Star quy tụ dàn sao hàng đầu NBA để lần thứ ba trong sự nghiệp đoạt MVP All-Star. Ở buổi hoàng hôn sự nghiệp, thủ lĩnh Cavaliers vẫn làm tất cả phải kinh ngạc khi thâu tóm những danh hiệu, những kỷ lục trước sự cạnh tranh khốc liệt từ lứa đàn em trẻ và giàu tham vọng hơn.
Để lý giải, hãy quay ngược thời gian về ngày 19/6/2016, thời điểm diễn ra game bảy của series chung kết lịch sử giữa Cavaliers và Warriors. Từ chỗ bị dẫn 0-2 rồi 1-3, Cavaliers, dưới sự chèo lái của thuyền trưởng LeBron James và siêu sao Kyrie Irving, đã xuất sắc gỡ hòa 3-3, đưa loạt chung kết tới trận đấu cuối cùng.
Tại thánh địa Oracle Arena – nơi những Stephen Curry, Draymond Green và Klay Thompson thường khiến các đối thủ cúi đầu ra về, James và đồng đội đã có một màn trình diễn để đời. Cú ném ba thành công khi đồng hồ còn 53 giây của Irving và sau đó là quả ném phạt lắc rổ ghi điểm của James mang về chiến thắng nghẹt thở 93-89 cho đội bóng áo bã trầu.
Ở thời khắc vỡ òa hạnh phúc vì lần đầu giúp Cavaliers vô địch NBA, James đã tiết lộ động lực lớn nhất của anh trong sự nghiệp chính là theo đuổi “bóng ma Chicago” – biệt danh mà ngôi sao trưởng thành từ Ohio dành cho huyền thoại Michael Jordan.
“Tôi mặc số 23 vì Mike”, James thổ lộ. “Tôi yêu bóng rổ cũng bởi Mike. Khi tôi còn là một cậu nhóc mới lớn và được xem Michael Jordan qua TV, ông ấy giống như một vị thánh vậy. Tôi chưa bao giờ tin mình có thể trở thành Mike. Tôi chỉ nỗ lực hết sức để đuổi theo ông ấy, bởi tôi chưa từng nghĩ có ai đủ khả năng đạt tới đẳng cấp như Mike”.
LeBron thực ra đã vượt Mike ở nhiều chỉ số chuyên môn. Bên cạnh những cột mốc điểm đáng nhớ, rebound và kiến tạo trung bình của James cũng gấp nhiều lần Jordan. Nếu chỉ tính ở mùa giải thứ 15 trong sự nghiệp, tức mùa giải hiện tại của James, thì anh còn vượt xa Jordan ở số điểm trung bình mỗi trận (27,8 so với 20).
Điều đó cho thấy “quá trình lão hóa” của James chậm hơn Jordan. Nhưng điều này cũng có thể dễ dàng lý giải rằng cầu thủ ngày nay nhận được chế độ chăm sóc tốt hơn với rất nhiều công nghệ hiện đại, từ đó duy trì phong độ đỉnh cao lâu hơn so với các đồng nghiệp ở thập niên 90 như Michael Jordan.
Có một điều LeBron không thể chối cãi, và cũng là động lực thúc đẩy anh mỗi năm: Mike là ông vua của những trận chung kết. Sáu lần vào series chung kết, Jordan vô địch cả sáu. Ông là “độc cô cầu bại” trong những trận chiến cận kề vinh quang nhất. Sáu nhẫn NBA của Jordan còn đặc biệt ở chỗ nó được chia làm hai cú ăn ba (1990-1993 và 1995-1998).
James vào chung kết nhiều hơn, với tổng cộng tám lần trong màu áo hai CLB Miami Heat và Cavaliers. Nhưng siêu sao trưởng thành từ Ohio để thua năm lần. James từng nói muốn chơi đến khi 40 tuổi – độ tuổi mà Jordan giải nghệ lần cuối cùng. Nếu làm được, chủ nhân bốn danh hiệu MVP còn hơn nửa thập kỷ để san bằng số nhẫn với huyền thoại Chicago. Nhưng điều này vẫn còn nằm ở thì tương lai. Hơn nữa, ở tuổi 33, Jordan đã có năm nhẫn vô địch NBA.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng việc James coi Jordan như “bóng ma” để theo đuổi trong cả sự nghiệp cũng là cách để hoàn thiện bản thân. Nhiều chuyên gia tin rằng James cần học cách phòng ngự của Jordan, dù các chỉ số cá nhân của anh vẫn luôn trong top NBA.
Đến giờ, James có sáu lần vào đội hình phòng ngự tiêu biểu All-NBA Defensive, kém Jordan ba lần. Biểu tượng số một của làng bóng rổ là người duy nhất trong lịch sử NBA đoạt giải thưởng Cầu thủ phòng ngự hay nhất và danh hiệu MVP trong cùng một mùa giải (1987-88). Đây có lẽ là thử thách quá sức của LeBron lúc này, nhưng anh vẫn có thể hướng đến chỉ số cướp bóng 2,3 lần mỗi trận của Jordan để phấn đấu (James có trung bình 1,6 steals mỗi trận).
Có hai yếu tố quan trọng khác đưa Jordan lên tầm mức cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử NBA: Lòng trung thành và khoảnh khắc tỏa sáng quyết định. Jordan dành 15 năm đẹp nhất sự nghiệp cho Chicago Bulls, dù không phải lúc nào nội tình của đội bóng cũng êm ả. Trong kỷ nguyên Jordan, Bulls từng có ba năm liên tiếp bị loại khỏi vòng play-offs đầu tiên và nhiều lần thay huấn luyện viên.
Jordan là ông vua của những khoảnh khắc tỏa sáng quyết định. Mức độ “clutch” của ông chính là sự khác biệt giữa một cầu thủ xuất sắc và một huyền thoại. Không biết bao nhiêu lần Jordan ném rổ trong giây cuối cùng để mang về chiến thắng cho Chicago. Cú ném nổi tiếng nhất, được phát đi phát lại trên các kênh thể thao Mỹ, chính là pha ghi điểm khi đồng hồ chỉ còn 3,3 giây để mang về chiến thắng 101-100 trước Cavaliers ở vòng play-offs đầu tiên mùa giải 1988-1989.
Cú ném này của Jordan – còn được gọi với cái tên “The Shot” – sau đó tám năm đã đoạt giải Cú ném hay nhất lịch sử, nhân kỷ niệm 50 năm NBA ra đời. Jordan còn rất nhiều những “clutch shot” để đời khác như cú ném gỡ hòa ở game ba trận chung kết 1991, cú buzzer-beater ở game một trận chung kết 1997, hay kinh điển hơn cả là tình huống lừa bóng qua Bryon Russell của Utah Jazz trước khi ném hai điểm quyết định chức vô địch năm 1998.
LeBron James cũng thuộc mẫu cầu thủ có nhiều “clutch shot”, nhưng mức độ lạnh lùng trong thời khắc quyết định chưa thể bằng Jordan. Ở phút cuối game bảy trận chung kết 2016 với Warriors, không phải James mà Kyrie Irving mới là người có cú ném ba mang tính bước ngoặt giúp Cavaliers vô địch. James, sau đó, ghi điểm cuối cùng của trận đấu từ một cú ném phạt, nhưng cũng khiến các đồng đội đau tim vì ném trượt quả phạt đầu tiên.
Với những dữ liệu ấy, rõ ràng việc James thừa nhận bị “bóng ma Jordan” ám ảnh không phải chỉ là câu nói cho vui miệng hoặc cố tình thể hiện sự khiêm tốn. Đó chính là động lực để LeBron tiếp tục tỏa sáng tại NBA và theo đuổi những cột mốc vĩ đại khác, dù ngay lúc này người ta đã gọi anh là “King James”.
Nhân Đạt