Khi tỷ phú Jim Ratcliffe trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất Man Utd ngày 24/12/2023, nhiều người kỳ vọng đó là món quà Giáng sinh của đội bóng. Bởi đó là người giàu nhất Anh quốc, hâm mộ CLB từ lâu và từng nhiều lần tới Old Trafford xem bóng đá, cùng cam kết sẵn sàng đầu tư cho đội bóng.
Tuy nhiên một năm qua, đội bóng thậm chí không còn tổ chức tiệc Giáng sinh.

Hậu vệ Diogo Dalot sau trận Man Utd thua Tottenham trên sân Tottenham Hotspur ở Ngoại hạng Anh ngày 16/2/2025. Ảnh: Reuters
Cắt giảm chi phí là mục tiêu của Ratcliffe kể từ khi thâu tóm 27,7% cổ phần đội bóng. Việc làm đầu tiên của ông là sa thải 250 nhân sự, trong hơn 1.100 người làm việc ở đây. Man Utd có nhiều nhân sự nhất ở Ngoại hạng Anh, nhưng một phần cũng vì họ là đội bóng được quan tâm nhất, với sân đấu lớn nhất và là nằm trong số ít CLB niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, dù có số lượng nhân viên đông đảo, Man Utd chỉ trả 55 bảng tiền lương trên mỗi 100 bảng doanh thu, mức thấp thứ ba Ngoại hạng Anh và thấp hơn nhiều so với ngưỡng 70 bảng mà UEFA khuyến nghị.
Nhưng ba tháng sau khi dự toán lợi nhuận gộp 160 triệu bảng (202 triệu USD) cho năm tài chính 2024-2025, Man Utd phải cắt thêm nhiều việc làm của nhân viên với mục đích giải quyết khó khăn tài chính. Dự kiến, sẽ có 200 nhân sự mất việc, đồng nghĩa đã có tổng cộng 450 người bị sa thải kể từ khi Ratcliffe lên nắm quyền điều hành đội bóng. Ông cho rằng đó là việc phải làm để CLB tránh bị phá sản.
Trong ba năm tài chính gần nhất, Man Utd đã lỗ tổng cộng hơn 300 triệu bảng, và có nguy cơ vi phạm Quy tắc bền vững và lợi nhuận của Ngoại hạng Anh (PSR). PSR chỉ cho phép một đội lỗ tối đa 105 triệu bảng trong ba năm liên tiếp, nếu không có hành động nào được thực hiện.
Man Utd còn tăng giá vé từ 40 bảng cho người lớn và 25 bảng cho trẻ em, lên 66 bảng cho tất cả độ tuổi. Đội bóng cũng cắt khoản thưởng 50 bảng mỗi trận của nhân viên an ninh, những người mặc áo vàng ngồi quanh sân để ngăn khán giả quá khích xuống sân.
Vì sao Man Utd có thể vừa có lợi nhuận, lại vừa lỗ? Đó là vì tài chính có những thuật ngữ với những diễn giải khác nhau về kết quả kinh doanh. Đội bóng khi công bố kết quả tài chính, sẽ cố gắng chọn những con số ấn tượng hơn để đưa lên phần đầu.
Lợi nhuận gộp được tính bằng doanh thu trừ đi chi phí, chưa bao gồm lãi vay, thuế, khấu hao và phí hao mòn. Lợi nhuận gộp của Man Utd cao nhờ doanh thu hàng đầu thế giới. Nhưng sau khi trừ đi các khoản như lãi vay và khấu hao, lợi nhuận ròng của họ rơi xuống mức âm hơn 300 triệu bảng trong ba mùa gần nhất. Vấn đề của đội có lẽ không nằm ở tiền lương cho nhân sự, mà ở những khoản khấu hao hay hao mòn.
Phí chuyển nhượng cầu thủ thường được chia đều theo từng năm, được tính vào mục hao mòn. Từ thời hậu Alex Ferguson, Man Utd đã chi 2,1 tỷ bảng để mua cầu thủ, nhiều nhất giải, nhưng chất lượng nhân sự không tương xứng. Theo báo cáo tài chính gần nhất, "Quỷ đỏ" vẫn còn khoản nợ 414 triệu bảng phí chuyển nhượng chưa trả các CLB khác, nhiều chỉ sau Chelsea.
Nguồn thu bán cầu thủ của Man Utd cũng không ấn tượng, chỉ bằng một phần năm so với Chelsea. Tức là nếu Chelsea bán cầu thủ được 100 triệu bảng mỗi mùa, Man Utd chỉ bán được 20 triệu bảng. Khoản thu này được tính vào PSR, nhưng "Quỷ đỏ" kiếm được ít nhất trong Top 6 Ngoại hạng Anh.
Dưới thời Ratcliffe, đội cũng đã tốn nhiều chi phí lớn và không đáng có. Ví như việc tốn 4,1 triệu bảng để đền bù hợp đồng cho Newcastle nhằm bổ nhiệm Giám đốc thể thao Dan Ashworth, chờ ông gần một năm trước khi nhận việc, để rồi sa thải chỉ sau 5 tháng. Man Utd gia hạn hợp đồng với HLV Erik ten Hag thêm một năm, vào hè 2024, để rồi sa thải ông chỉ sau đó hai tháng, tốn 10,4 triệu bảng tiền đền bù. Sau đó, đội bóng chi 11 triệu bảng để phá vỡ hợp đồng của HLV Ruben Amorim và cộng sự tại Sporting.
Man Utd đã chi 250 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ dưới thời Ratcliffe, nhưng họ chỉ đang đứng thứ 15 Ngoại hạng Anh.

Tỷ phú Jim Ratcliffe, cố vấn Dave Brailsford, CEO Omar Berrada, cựu Giám đốc thể thao Dan Ashworth, Giám đốc kỹ thuật Jason Wilcox và cựu HLV Alex Ferguson (từ trái sang) xem trận Man Utd gặp Aston Villa trên sân Villa Park, thành phố Birmingham, ngày 6/10/2024. Ảnh: PA
Nhà Glazers cũng ảnh hưởng xấu tới tình hình tài chính của Man Utd. Họ đã thu lời hàng trăm triệu bảng kể từ vụ bán 27,7% cổ phần cho Ratcliffe. Tuy nhiên, mọi chi phí phát sinh từ quá trình mua lại này được tính vào sổ sách đội bóng. Điều đó có nghĩa đội bóng chịu lỗ từ khoản lãi lớn của gia đình Glazers.
Các khoản khấu hao cầu thủ và những chi phí hoạt động khác của Man Utd mùa trước lên tới gần 340 triệu bảng. Tính thêm tiền lương trả cho cầu thủ và nhân viên 365 triệu bảng, chi phí của đội đã vượt quá 700 triệu bảng. Vì thế, doanh thu của đội 662 triệu bảng ở mùa trước không đủ để bù đắp mọi chi phí.
Đó là chưa kể mỗi năm, Man Utd còn phải trả khoảng 20 triệu bảng tiền lãi cho khoản nợ mà nhà Glazers gán cho, khi mua lại đội bóng theo hình thức đòn bẩy năm 2005 (vay tiền từ ngân hàng rồi dùng chính đội bóng làm thế chấp).
Tóm lại, có hai điều về tình hình tài chính của Man Utd. Tin tốt là họ vẫn tạo ra rất nhiều tiền mặt mỗi ngày. Còn tin xấu là các chi phí phát sinh từ việc quản lý yếu kém của giới chủ mới là vấn đề cốt lõi của đội bóng. Không có cơ sở nào để Ratcliffe nhắm vào các nhân viên và coi tình trạng mất việc của họ là phương pháp cải thiện tình hình tài chính.
*Tỷ giá: 1 bảng = 1,26 USD.
Xuân Bình (theo Guardian)