Ong có đến hơn 20.000 chủng, tồn tại từ hơn 100 triệu năm trước và đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của nhân loại. Chúng cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho con người (mật, phấn hoa, sữa ong chúa) và loạt chế phẩm hỗ trợ y tế và các ngành công nghiệp khác (sáp, keo hay nọc ong mật...).
Theo World Bee Day, một phần ba sản lượng lương thực phụ thuộc hoàn toàn vào việc thụ phấn của loài vật có cánh bé nhỏ này. 50 năm qua, số cây trồng (trái cây, rau, hạt, quả hạch và hạt có dầu) phụ thuộc vào các loài thụ phấn tăng ba lần. Ong cũng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng lượng nông sản, cải thiện chất lượng và khả năng chống chọi sâu bệnh.
Ngoài ra, ong còn hỗ trợ cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học trong tự nhiên. Quá trình thụ phấn không chỉ giúp cây trồng phát triển mà còn bảo vệ, duy trì hệ sinh thái lẫn động, thực vật. Chúng đồng thời góp phần vào sự đa dạng di truyền và sinh vật.
Sự hiện diện, vắng mặt hoặc tăng giảm số lượng của chúng cho thấy điều gì đó đang xảy ra với môi trường, giúp con người lên kế hoạch phòng ngừa cần thiết. Tuy nhiên, loài vật này đang đứng trước mối đe dọa tuyệt chủng rất lớn. Tờ Science Daily cho biết nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học Ottawa (Mỹ) cho thấy quần thể ong vò vẽ sống sót đã giảm trung bình hơn 30%.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến ong có nguy cơ tuyệt chủng.
Môi trường sống bị xâm chiếm
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với sự gia tăng không ngừng của diện tích nhà ở, trung tâm thương mại, khu công nghiệp... Điều này vô tình dẫn đến môi trường sống tự nhiên của côn trùng biến mất, trong đó có loài ong. Chúng sẽ khó tìm được chế độ ăn uống cân bằng và những khu vực làm tổ an toàn.
Theo các chuyên gia, rất khó ngăn chặn tốc độ phát triển của xã hội, tuy nhiên con người có thể nghĩ thêm nhiều biện pháp hạn chế tình trạng môi trường sống bị xâm chiến. Điển hình là trồng thêm các loài cây, hoa nhằm cung cấp thêm nguồn thức ăn cho ong.
Biến đổi khí hậu
Theo Just Bee Honey, sự nóng lên toàn cầu tác động đến sự sinh tồn của con người lẫn động vật. Thời tiết chuyển biến thất thường có thể làm thay đổi nhiệt độ ổn định theo mùa, ảnh hưởng cây và hoa và gián đoạn chu kỳ làm tổ, thụ phấn tự nhiên hàng năm của ong.
Ong không có văn hóa di cư như loài chim. Do đó, biến đổi khí hậu tác động đến khả năng sống còn của loài ong.
Thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu là bước ngoặt lớn với nền nông nghiệp nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể ong. Loạt thuốc này có thể giảm khả năng điều hướng của ong, gây vô sinh và làm hỏng hệ thống miễn dịch của chúng, từ đó khiến loài vật khó chống lại bệnh tật, theo Bees4life.
Bệnh và ký sinh trùng của ong
Tương tự các sinh vật sống, ong cũng có khả năng bị bệnh. Biến đổi khí hậu, môi trường sống bị thu hẹp càng khiến chúng nhiễm bệnh và chết nhiều hơn.
Sự xuất hiện của bọ ve Varroa là vấn đề lớn với ong, nhất là ở Mỹ và châu Á. Nó truyền bệnh và tiêu hao năng lượng từ những cá thể chúng lây nhiễm. Loài vật này cũng dễ bị nấm, do đó, người nuôi ong cần có biên pháp bảo vệ "những đứa con của mình" khỏi nguy cơ lây nhiễm...
Theo thống kê của The Bee Book, số đàn ong đang bị thu hẹp và thế giới đứng trước nguy cơ mất mùa nếu sự sống của chúng tiếp tục bị đe dọa.
Vì vai trò đảm bảo an toàn lương thực, giúp cân bằng hệ sinh thái của loài vật này, từ năm 2017, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/5 hàng năm là "Ngày Ong Thế giới". Nhiều nhân vật nổi tiếng toàn cầu đã chung tay tạo các quỹ hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành ong.
Công ty TNHH Ong Mật Tracybee là một trong những doanh nghiệp nổi bật của ngành ong Việt Nam. Đơn vị thành lập từ năm 2012, bởi gia đình có nghề nuôi ong truyền thống. Doanh nghiệp sở hữu trại ong với số lượng lên đến hơn 3.000 đàn ong mật và 400 đàn ong sữa, với tổng sản lượng mật thu hoạch trung bình một năm hơn 200 tấn.
"Các nhà khoa học luôn cảnh báo loài ong có nguy có tuyệt chủng. Với sự hiểu biết, lòng yêu nghề, thiên nhiên lẫn cuộc sống, chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ, bảo tồn loài ong, duy trì mùa màng và đóng góp cho sự cân bằng sinh thái của thế giới", bà Lê Ngọc Thu Trang - CEO Tracybee - chia sẻ.
Hiếu Châu