Theo Telegraph, giả thiết mới cho rằng tổ tiên loài chim hiện đại sống sót qua thảm họa thiên thạch cách đây hơn 60 triệu năm nhờ cấu tạo mỏ cứng giúp chúng ăn các loại hạt. Trong khi các loài bò sát bay ăn thịt như thằn lằn ngón cánh vật lộn tìm kiếm thức ăn sau biến cố cuối kỷ Phấn trắng, một số loài khủng long nhỏ giống chim trở thành loài thống trị mặt đất nhờ thực đơn ăn hạt.
"Những loài khủng long giống chim sống trong kỷ Phấn trắng, tức họ Maniraptoran (bao gồm các loài chim có răng và tổ tiên của loài chim hiện nay) chưa được nghiên cứu kỹ càng", trưởng nhóm nghiên cứu Derek Larson, đại học Toronto, Canada cho biết.
"Là một trong những họ hàng gần gũi nhất của chim hiện đại, nhiều loài trong họ Maniraptoran, bao gồm cả chim có răng đột ngột bị xóa sổ vào cuối kỷ Phấn trắng. Tuy nhiên, nhánh đơn ngành chứa tổ tiên chung của chim hiện đại vẫn sống sót qua đại tuyệt chủng này. Câu hỏi đặt ra là vì sao điều đó xảy ra trong khi chúng có rất nhiều điểm tương đồng".
Để giải đáp, các nhà khoa học tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 3.000 mẫu răng hóa thạch của 4 nhóm khủng long thuộc họ maniraptoran. Họ nhận thấy, sự đa dạng của họ khủng long này tiếp tục tới cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 66 triệu năm trước, cho tới khi nhiều loài bị xóa sổ hàng loạt.
Các nhà khoa học nghi ngờ chế độ ăn có thể đóng vai trò trong khả năng sống sót của tổ tiên loài chim hiện đại lúc đó. Sử dụng những nghiên cứu từng công bố về chim hiện đại, bao gồm thông tin về thức ăn và các quan hệ nội loài, nhóm nghiên cứu khám phá loại thức ăn của họ hàng chim hiện đại vào kỷ Phấn trắng. Theo đó, tổ tiên chung cuối cùng của chim hiện đại là một loài có mỏ không răng, thức ăn là các hạt.
Theo Nghiên cứu công bố trên Tập san Sinh học Ngày nay tháng 4, thiên thạch khổng lồ đâm xuống Trái Đất đã tạm thời gây ra biến đổi khí hậu, tạo các đám khói bụi dày đặc che khuất ánh sáng Mặt Trời. Cây cỏ bị hủy diệt khiến nguồn thức ăn cho các loài động vật ăn cỏ cạn kiệt, hệ quả là các động vật ăn thịt to lớn cũng bị cướp đi nguồn sống. Tuy nhiên, các hạt cứng chịu được khắc nghiệt có thể giúp những loài chim nhỏ không răng sống sót cho tới khi thế giới được khôi phục.
"Khủng long giống chim có răng tồn tại cho tới cuối kỷ Phấn trắng khi tất cả bị tiêu diệt đột ngột. Chỉ một số nhóm chim có mỏ tồn tại nhờ thực đơn ăn hạt của mình", ông Larson nói.
Xem thêm: Phát hiện loài chim hoét mới nhờ tiếng hót
Thu Hiền