Ngày 29/7, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức trao bằng tốt nghiệp chính quy năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, hiệu trưởng nhà trường, mặc áo choàng nhung đỏ, đội mũ đỏ và đi găng tay đồng màu, cầm quyền trượng màu vàng và mang vòng cổ lớn màu trắng.
Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ - đen, mũ màu đen và sử dụng găng tay trắng. Các tân cử nhân mặc áo choàng màu xanh lá đậm, hai vạt trước màu đỏ. Trên mũ và bên ngực trái của áo in logo của trường Đại học Kinh tế.
Sau khi hình ảnh về buổi lễ được đăng tải, bên cạnh một số bình luận khen "trang trọng", "xịn xò", nhiều ý kiến cho rằng trang phục được sử dụng không phù hợp, "lai căng, thể hiện sự màu mè, diêm dúa". Theo khảo sát của VnExpress tính đến 18h30 ngày 1/8, 61% trong số hơn 3.000 người được hỏi cho rằng lễ phục của trường "phản cảm, lai căng"; 32% đánh giá "mới lạ, độc đáo nhưng nên có thông điệp rõ ràng hơn", còn lại ý kiến khác.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng nếu trường Đại học Kinh tế có thể kết hợp hài hòa hơn những giá trị truyền thống trong buổi lễ, dư luận có lẽ không ồn ào đến thế.
"Tại các buổi trao bằng, lễ tốt nghiệp, nhiều học sinh, sinh viên, học viên cao học hay tiến sĩ vẫn sử dụng áo thụng, mũ vuông, song ít khi thấy ai có ý kiến phản đối gì. Chỉ khi điều này bị thực hiện một cách thái quá, xa rời những giá trị dân tộc thì dư luận mới thực sự dậy sóng", ông Sơn nói.
Theo PGS Sơn, trang phục được trường Kinh tế sử dụng có thể xuất phát từ mong muốn mang đến một buổi lễ hoành tráng, bắt mắt, xứng tầm của đội ngũ lãnh đạo. Cách tiến hành được mô phỏng theo những gì người tổ chức trải nghiệm hoặc có thể hình dung.
Dựa trên hiểu biết cá nhân, ông Sơn nhận định cách thức tổ chức sự kiện theo phong cách này chủ yếu tồn tại ở các trường đại học theo phong cách Anh, Mỹ. Tại đó, áo choàng là biểu tượng của dân chủ học thuật, có độ dài và màu sắc khác biệt giữa các ngành học, mũ thường có hình vuông, tượng trưng cho sách vở, thành tựu trong quá trình học tập. Trong một số trường hợp, có loại mũ tròn dành cho tiến sĩ.
Cây quyền trượng tượng trưng cho uy quyền, đi kèm với người có chức vụ cao nhất, mang hàm ý duy trì truyền thống học thuật với những người theo học tại đó. Dù vậy, sự kiện này cùng các chi tiết mang tính biểu trưng, cách thiết kế trang phục còn mới mẻ tại Việt Nam, theo ông Sơn.
Lý giải về phản ứng (đa phần không đồng tình) của dư luận, ông Sơn nhận định đây là tâm lý thường thấy trước một hiện tượng mới, gọi là tiếp biến văn hóa. Theo đó, quá trình này thường diễn ra theo quy luật: tiếp nhận nguyên vẹn theo hiểu biết và cảm nhận của người trong cuộc, sau đó "Việt Nam hóa" những nội dung, hình thức của hiện tượng văn hóa nước ngoài đó.
Phân tích kỹ hơn quan điểm này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dẫn chứng bằng nhiều sự thay đổi trong lịch sử, từ việc sử dụng áo dài, giày Tây, chuyển từ răng đen sang trắng...và cho rằng cái mới bao giờ cũng khó chấp nhận, nên càng phải thận trọng trong nhìn nhận, đánh giá. "Chúng ta không đoạn tuyệt với quá khứ, nhưng cũng không thể từ chối tiếp nhận cái mới", ông Đức nói.
Về phía sinh viên, những người trực tiếp tham dự và trải nghiệm bộ trang phục mới tại buổi lễ tốt nghiệp, đa số bày tỏ sự đồng tình, tự hào với cách tổ chức của trường Đại học Kinh tế.
Trước những nhận xét tiêu cực, cho rằng lễ phục tốt nghiệp "không phù hợp, lai căng, thể hiện sự màu mè, diêm dúa", Trần Tiến Đạt, 22 tuổi, sinh viên khoa Kinh tế chính trị, cảm thấy khó hiểu.
"Nếu nói 'lai căng' hay 'sính ngoại', việc những ngày lễ của phương Tây như Giáng sinh, Valentine trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam thì giải thích thế nào? Chưa kể, việc sử dụng trượng trong lễ tốt nghiệp đã được trường duy trì cả chục năm chứ không phải mới đây", Đạt bày tỏ.
Là cán sự lớp, Tiến Đạt cho biết đã khảo sát gần 90 sinh viên của lớp Kinh tế 2, Khoa Kinh tế chính trị, gần như 100% đều bày tỏ sự hài lòng về buổi lễ tốt nghiệp và trang phục được sử dụng.
Cũng tham dự lễ tốt nghiệp ngày 29/7 như Tiến Đạt, Huyền My, một sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, nhận xét trang phục "đẹp, xịn" và thích thú khi là khóa đầu tiên được "bóc vỏ".
"Buổi lễ được cử hành trang trọng khiến các sinh viên cảm thấy sự rời đi của mình được tôn trọng, các thầy cô yêu quý. Sự khác biệt về lễ phục tốt nghiệp với các đại học khác khiến mình thấy tự hào vì hình ảnh riêng của trường", My nói. Nữ sinh cho rằng lễ phục tốt nghiệp không trái thuần phong mỹ tục.
Tại thông tư 26 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định về việc mặc đồng phục, lễ phục tốt nghiệp. Theo đó, lễ phục được định nghĩa là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên trong một trường (hoặc một ngành) tại buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp. Lễ phục tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp và thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thông tư của Bộ quy định tiêu chuẩn lễ phục gồm áo khoác ngoài, dài quá đầu gối, mũ và logo của trường gắn bên ngực trái; được xây dựng và thiết kế dựa trên nguyên tắc thống nhất trong từng đơn vị, đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. "Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng: bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ", thông tư nêu.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện tự nhiên của các vùng miền và cơ sở vật chất của đơn vị,người đứng đầu trường đại học, học viện quyết định việc mặc lễ phục, quy định kiểu dáng, màu sắc và chỉ đạo tổ chức mặc lễ phục của sinh viên.Việc này được yêu cầu xây dựng trên sự đồng thuận của Hội đồng trường, đại diện Đoàn thanh niên và Hội sinh viên (nếu có).
Theo thông báo của Đại học Kinh tế, trang phục dùng trong buổi lễ nhằm khẳng định vị thế, thể hiện sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của trường trong mắt người học và đối tác, tăng tính đoàn kết nội bộ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và người học.
"Về mặt luật pháp, tôi nghĩ họ không sai. Không có điều luật nào xử phạt nếu họ tổ chức một sự kiện với các ăn mặc như vậy", ông Sơn khẳng định.
Theo công văn tối ngày 31/7 của Đại học Quốc gia Hà Nội gửi đến PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, trường Đại học Kinh tế được yêu cầu báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức buổi lễ, gửi về Đại học Quốc gia Hà Nội trước 2/8, đồng thời phải rà soát và điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự.
Nhìn nhận sự việc một cách tổng quan, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng khi có nhiều ý kiến trái chiều về lễ phục tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế là một tín hiệu tốt, xét về khía cạnh báo động cho văn hóa.
Theo ông Sơn, "chiếc áo không làm nên thầy tu" nhưng "y phục xứng kỳ đức". Trong nhiều trường hợp, trang phục thể hiện trình độ văn hóa con người. "Chính vì thế, cẩn trọng trong cách ăn mặc, nhất là phải phù hợp với văn hóa dân tộc, cần được xem là một nguyên tắc ứng xử", PGS Sơn chia sẻ, đồng thời cho rằng sự việc này là bài học trong quá trình tiếp biến văn hóa, giúp người Việt tự tin hơn khi khai thác văn hóa dân tộc, không trở thành bản sao của một nền văn hóa khác trên chính đất nước mình.
Để dung hòa các bên, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng từng cơ quan, đơn vị muốn thay đổi một yếu tố văn hóa đã được duy trì từ lâu, cần thời gian nghiên cứu, tham khảo ý kiến, trong đó có các nhà văn hóa, thiết kế, dư luận và người thụ hưởng - tại trường hợp của Đại học Kinh tế là các cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Ông Đức nhận định lễ phục tốt nghiệp được trường Kinh tế sử dụng "không phải lỗi lầm gì". Việc trường cần làm là bày tỏ chân thành về mục đích, ý nghĩa của trang phục và những chi tiết được sử dụng. "Nếu trường cho rằng cái đó là đẹp, là hay nhưng chưa phù hợp với thẩm mỹ chung của xã hội thì tiếp thu cầu thị, trung thực và rút kinh nghiệm. Tôi tin dư luận sẽ chia sẻ được", ông Đức nói.
Thanh Hằng - Duy Phương