Chủ tọa Trần Trọng Hữu tuyên đọc bản án. |
- Bị cáo Lê Công Nghiệp bị xử phạt theo khoản 1 Điều 291 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Theo quy định mức thấp nhất của khung hình phạt là 1 năm tù. Nhưng tại sao Hội đồng xét xử chỉ xử phạt cảnh cáo, là loại nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt, bỏ qua 2 loại hình phạt liền kề là cải tạo không giam giữ và phạt tiền?
- Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ về trường hợp này, mức án không hề sai luật. Bởi vì, theo Điều 47 BLHS quy định, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, lại được truy tố ở khung thấp nhất thì được chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn, nhưng không bắt buộc là hình phạt nhẹ hơn liền kề. Do đó, HĐXX sẽ tùy trường hợp để áp dụng hình phạt phù hợp. Về bị cáo Lê Công Nghiệp có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, bản thân có nhiều cống hiến trong kháng chiến cũng như thời bình được thưởng nhiều huân huy chương, gia đình bị cáo và bên vợ đều có truyền thống cách mạng nên được hưởng mức án cảnh cáo.
- Trước những ý kiến cho rằng bị cáo Lê Công Nghiệp có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, có mức độ nặng hơn tội danh đã xét xử, ông thấy thế nào?
- Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố bị cáo Nghiệp với tội danh trên nhưng thời điểm xảy ra hành vi phạm tội trong BLHS chưa quy định tội danh này nên không thể truy tố, xét xử. Hành vi bị cáo Nghiệp đã có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi". Trong vụ án, công trình san lấp được UBND tỉnh giao cho Công ty Dịch vụ Thương mại Cà Mau làm chủ đầu tư, nên Nguyễn Thị Bé Tư chính là người có chức vụ, quyền hạn ký hợp đồng giao cho đơn vị thi công. Hành vi bị cáo Nghiệp lợi dụng ảnh hưởng đối với Bé Tư để giao cho Cao Tấn Lộc thầu nhằm trục lợi 36 triệu đồng là đã rõ, phù hợp với tội danh xét xử.
- Giám định chữ viết trên biên nhận trả tiền kết luận được viết từ năm 1999-2002. Bị cáo Nghiệp cho rằng đây là quan hệ dân sự vay trả bình thường chấm dứt vào năm 1999, trước thời điểm mình bị cách chức (4/2001) để điều tra, nên không có dấu hiệu trục lợi số tiền đó. Việc này Toà xác định thế nào?
- Thực ra, từ những năm 1999 công an điều tra tiêu cực ở Công ty dịch vụ thương mại Cà Mau đã phát hiện vụ việc này. Nếu đây là quan hệ dân sự thì việc hoàn trả tiền vay phải diễn ra từ trước, không phải để đến lúc bị phát hiện. Thời điểm trả tiền từ năm 1999 theo bị cáo khai hay là vào năm 2002 như cáo trạng truy tố thì đều không làm thay đổi bản chất vụ án.
- Ông đánh giá thế nào về những lời khai tại tòa thay đổi so với trong giai đoạn điều tra theo hướng có lợi cho bị cáo?
- HĐXX mở rộng quyền dân chủ trong hoạt động xét xử theo Nghị quyết 08, tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng trình bày để tìm ra sự thật khách quan. Những lời khai có tính chất "bịa đặt" không phù hợp logic, chứng cứ và lời khai khác thì vẫn không được chấp nhận.
Kim Mộc thực hiện