Cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm từng neo tới 11-12% một năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên, bước sang 2023, lãi suất tiết kiệm quay đầu giảm nhanh và mạnh. Tới cuối tháng 9, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số nhà băng lớn về dưới 5,5% một năm, thấp hơn giai đoạn Covid-19.
Xu hướng giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4 năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Ngược chiều với xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nước khác trên thế giới, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói: "Ngân hàng Nhà nước muốn truyền thông điệp giảm lãi suất".
Chỉ trong nửa đầu năm, nhà điều hành 4 lần liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành, trong đó có ba lần giảm trần lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tối đa mà các ngân hàng thương mại được phép huy động cho khoản tiền gửi dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống còn 4,75% một năm.
Chuyên gia tài chính quốc tế Peter Verhoeven, Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD, nhận định quyết định giảm lãi suất trái chiều với quốc tế nhưng phù hợp ở Việt Nam, bởi nhiều yếu tố nội tại khác biệt, quan trọng nhất là lạm phát được kiểm soát tốt. "Tận dụng bối cảnh này để giảm lãi suất là quyết định thông minh", ông Peter đánh giá.
Một yếu tố quan trọng khác khiến lãi suất huy động "xuống đáy" trong năm nay là tiền không chảy vào được nền kinh tế.
Các ngân hàng trở nên "thừa tiền" trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ảm đạm, đơn hàng xuất khẩu, tiêu dùng chậm lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm đơn hàng, dẫn tới tình trạng giảm nhu cầu vay vốn, bởi "có vay tiền về cũng không biết để làm gì".
Bên cạnh đó, trước các chính sách thắt chặt hơn từ cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu, bất động sản trầm lắng theo chuyên gia, khiến dòng tiền chảy vào các kênh này thận trọng hơn thay vì dễ dãi như các năm trước.
Chính sách tín dụng nới lỏng cộng với nhu cầu vốn thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, thể hiện qua lãi suất vay mượn qua đêm giữa các nhà băng thậm chí về sát 0% một năm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng không còn phải "lo dự phòng thanh khoản" như giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, sau cuộc khủng hoảng tại SCB cũng như đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ.
Tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng hơn 6,9% so với đầu năm, tương đương mức tăng trưởng giai đoạn "đóng - mở cửa nền kinh tế" vì Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đánh giá, lãi suất tiết kiệm vẫn có thể giảm nhẹ trong thời gian tới song tốc độ điều chỉnh chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước. Thay vì điều chỉnh nhanh và mạnh, lãi suất theo bà đã về vùng ổn định và duy trì đến hết quý I/2024.
Hiện, lãi suất duy trì vùng thấp và dư địa giảm theo bà Phượng cũng không còn nhiều xét trong mối tương quan với các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá. Các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn tới đầu năm sau, theo bà, là cơ hội tốt để ngành ngân hàng giảm thêm nữa lãi suất cho vay.
Phó tổng giám đốc Agribank dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào quý II/2024 khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý biến số khác có thể tác động lên kịch bản lãi suất là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa khẳng định dừng đà tăng lãi suất. Bên cạnh đó, đà phục hồi của bất động sản - vốn là lĩnh vực có nhu cầu tín dụng lớn - vẫn là một ẩn số nếu những vướng mắc về pháp lý của các dự án chưa được giải quyết cơ bản.
Cùng nhận định, Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân khác cũng dự báo xu hướng lãi suất tiếp tục duy trì ở vùng thấp ít nhất đến hết 2023. Cũng theo ông, tăng trưởng tín dụng năm nay có xu hướng thực chất hơn các năm trước, sau hàng loạt chấn chỉnh của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với kênh trái phiếu.
Theo ông, thanh khoản dồi dào là điểm tích cực của ngành ngân hàng để chuẩn bị nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế giai đoạn tới. Gần đây, tín dụng có tăng mạnh vào những ngày cuối quý III nhưng theo lãnh đạo nhà băng này, chưa đủ phản ánh xu hướng tín dụng những tháng cuối năm.
Quỳnh Trang