So với các phương pháp nghe qua radio, podcast, audio book, nghe tiếng Anh qua phim bạn mất thời lượng không nhỏ dành cho những cảnh chiếu không lời thoại. Vì thế, khi dành hai tiếng xem một bộ phim, thực sự bạn chỉ nghe gần một tiếng. Trong khi đó, nếu luyện nghe podcast một tiếng, đôi tai của bạn được tập luyện chính xác số thời gian đó.
Hơn nữa, luyện nghe qua phim không hề dễ. Ngôn ngữ trong phim là "authentic" - ngôn ngữ thực tế cuộc sống cùng độ dài của phim (từ 20 phút đến 2 tiếng) khiến hàm lượng nội dung học nghe là rất cao. Nó gần như không phù hợp với những người có trình độ nghe trung bình và kém.
Khi khả năng nghe hiểu chưa tốt, việc theo dõi phim mà không có phụ đề không hề dễ dàng. Phần đông người luyện nghe tiếng Anh qua phim sẽ không hiểu gì khi không bật phụ đề, dẫn tới việc luyện nghe trở nên không hiệu quả.
Khi bật phụ đề và xem phim, thông thường người học sẽ có ba lựa chọn. Thứ nhất, nếu bật phụ đề tiếng Việt, hiệu quả của việc luyện nghe sẽ gần như bằng không vì bạn chỉ đọc phụ đề và loáng thoáng nghe một chút tiếng Anh và hy vọng những gì mình nghe được sẽ giống những gì mình "dịch". Sau một thời gian dài, khả năng nghe của bạn dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, vì khi nghe thực tế bạn không có phụ đề tiếng Việt để trợ giúp.
Thứ hai là bật phụ đề tiếng Anh và xem phim. Phương pháp này về cơ bản cũng không hiệu quả hơn là mấy. Khi xem phim, não bộ của bạn sẽ tập trung vào việc hiểu nội dung phim và có hai lựa chọn là đọc hoặc nghe. Vì kỹ năng nghe của bạn kém, gần như toàn bộ năng lượng sẽ được dành cho việc đọc. Nhưng bạn vẫn an ủi là mình đang "nghe" tiếng Anh.
Vậy "luyện nghe" như thế không thể tốt. Khi đọc phụ đề và nghe tiếng Anh, bạn đang "hear" chứ không phải "listen", tức là nghe mà không tập trung chút nào vào đó. Tưởng tượng bạn đang đọc say sưa một cuốn sách, và bật đài nghe cùng lúc - việc nghe đài đó là "hear", vì toàn bộ tâm trí bạn đang để vào cuốn sách. Bạn chẳng "nhặt" được chút gì từ đài cả.
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi kỹ năng nghe là "listening skill" chứ không phải "hearing skill". Khi luyện nghe, sự tập trung là yếu tố sống còn. Do đó, đừng ngạc nhiên nếu bạn bật phim và đọc phụ đề cả năm mà không tiến bộ.
Thứ ba, có một trào lưu chạy phụ đề song ngữ Anh Việt. Luyện nghe bằng phương pháp này còn tệ cho đôi tai hơn, vì não bạn không chỉ bị chi phối cho việc đọc, mà còn cho cả việc dịch nữa.
Trên một số trang mạng, bạn có thể nghe lời khuyên nên nghe phim nhiều lần. Lần đầu nghe cố hiểu, lần sau nghe cố bắt từ, lần sau nữa bật phụ đề và sau đó thì tắt phụ đề. Thử tưởng tượng với khả năng nghe hạn chế, mỗi đoạn phim bạn đều quay lại, và nghe đến bốn lần hoặc hơn thế, cảm giác sẽ ức chế thế nào? Nghe như vậy, một bộ phim hai tiếng sẽ ngốn của bạn không dưới 10 tiếng. Nên về cơ bản, mọi người sẽ lại quay về bật phụ đề.
Vậy, luyện nghe qua phim thế nào cho hiệu quả? Tốt nhất là bạn chỉ nên dùng phương pháp này khi có khả năng nghe tương đối tốt, đủ để hiểu 60-70% phim mà không cần bật phụ đề. Nếu khả năng nghe thấp hơn, bạn nên lựa chọn hình thức nghe sâu và nghe rộng phù hợp hơn với năng lực.
Trường hợp khi xem phim không nghe được, bạn cần đánh giá phần nghe đó có ảnh hưởng tới việc hiểu nội dung phim không. Nếu không cần hiểu câu/từ đó, bạn vẫn hiểu nội dung phim thì tốt nhất không cần quay lại. Trường hợp không nghe được nội dung quan trọng, bạn có thể quay lại và bật phụ đề để hiểu nội dung và biết lý do mình không nghe được. Sau đó, hãy tắt phụ đề và tiếp tục nghe.
Tóm lại, để luyện nghe tiếng Anh qua phim hiệu quả, bạn phải có khả năng nghe tốt (hiểu 70% phim mà không cần phụ đề), áp dụng phương pháp nghe rộng và không nên bật phụ đề. Tất nhiên, đây là lời khuyên cho những người muốn nâng cao khả năng nghe tiếng Anh, còn nếu bạn muốn xem phim để giải trí thì hoàn toàn có thể xem phim theo cách mình thích.
Quang Nguyen
Giáo viên tiếng Anh