Home Serve, một chuyên trang tư vấn gia đình của Anh, cho biết hậu quả thấy rõ nhất của việc này là tất cả dầu mỡ tích tụ theo thời gian trong đường ống có thể gây tắc nghẽn. Ước tính, chất béo và dầu tích tụ gây ra khoảng 47% số vụ tràn cống vệ sinh xảy ra mỗi năm ở Mỹ.
Không giống nước hoặc các chất lỏng khác, dầu mỡ không hoàn toàn thoát khỏi đường ống và chảy ra hệ thống nước thải. Sau khi nguội đi và đạt đến nhiệt độ môi trường, chúng rắn lại, bám vào đường ống và tích tụ, dày lên theo thời gian, trở thành vật cản dòng chảy.
Cách xử lý dầu mỡ nấu ăn thừa đúng cách
Trong trường hợp thời tiết lạnh, dầu mỡ đông đặc thành khối, bạn dễ dàng xúc chúng vào thùng rác. Nếu dầu mỡ ở dạng lỏng, bạn có thể đổ chúng vào một chai rỗng và thu gom cho đến khi chai đầy rồi bỏ chai vào thùng rác.
Nếu lượng dầu, mỡ thừa không quá lớn, bạn có thể chờ dầu nguội, sau đó dùng giấy thấm sạch dầu và bỏ đi. Phương pháp này ngoài thu dầu hiệu quả còn làm sạch nồi, niêu, bát đũa, giúp rửa dễ dàng hơn.
Trong trường hợp đã đổ dầu mỡ xuống bồn rửa bát, bạn vẫn có giải pháp để xử lý chúng, hiệu quả nhất là dùng giấm và baking soda. Phản ứng hóa học do hai chất này tạo ra có tác dụng phân hủy mọi chất dầu mỡ đông đặc và không làm hỏng đường ống.
Ngoài ra, bạn nên khắc phục ngay sai sót sau khi đổ dầu mỡ xuống cống, nhằm tránh chúng có thời gian tích tụ, gây tắc nghẽn. Bạn có thể đổ vài cốc nước nóng vào ống thoát nước bồn rửa bát, sau đó đổ hỗn hợp baking soda và giấm vào. Chờ một lúc cho hỗn hợp này phát huy tác dụng, bạn đổ thêm một lần nước nóng nữa xuống ống thoát nước. Nước nóng sẽ ngăn không cho dầu mỡ trở lại trạng thái rắn.
Theo S & D Plumbing, bạn cũng nên tránh các sản phẩm hóa học có tính ăn mòn, làm mòn đường ống của bạn.
Thùy Linh (Theo Housedigest)