Tháng 5/2016, Lewis Christman, một hành khách Mỹ, đang bay từ Chicago đến Rome thì lên cơn viêm tụy cấp. Ông nằm co dưới sàn, vật vã chịu đựng cơn đau suốt 7 tiếng vì máy bay vẫn tiếp tục hành trình. Suốt ba tháng sau, Lewis nằm trong viện.
Hai năm sau, Lewis khởi kiện United Airlines vì phi hành đoàn phớt lờ chỉ định của một bác sĩ trên máy bay, cần chuyển hướng khi cơ trưởng không thể liên lạc với chuyên gia y tế dưới mặt đất. Đó là một trong những tin xấu với United, thu hút dư luận chú ý đến cách các hãng hàng không Mỹ đối xử với hành khách gặp nạn giữa chuyến bay.
Một trường hợp khẩn cấp y tế trên không đặt tính mạng con người lên bàn cân với những phép tính về độ cao, kinh tế và quyền lợi của tất cả hành khách. Có lẽ Scott Schoifet, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, thấu hiểu tình cảnh này. Năm 2006, Scott đang lim dim trên chuyến bay từ Nhật Bản đến New York thì bị đánh thức để giúp hành khách ngồi cạnh - người lên cơn đau ngực. Phi hành đoàn hỏi ông, liệu tình hình có an toàn để tiếp tục bay không.
"Ban đầu không khí khá căng thẳng, vì họ cứ nhìn tôi như thể muốn hỏi 'Ông muốn làm gì?' Nhưng tôi chỉ đáp 'Tôi không thể quyết định khi có tới 350 người trên máy bay'", Scott hồi tưởng. Cuối cùng, ông trông chừng người phụ nữ gặp nạn đến hết chuyến, tới khi bà ấy xuống tại một điểm dừng ở Detroit, và máy bay tiếp tục.
Dù luật pháp cơ bản bảo vệ bác sĩ, hãng hàng không và các cá nhân khỏi trách nhiệm pháp lý khi hỗ trợ y tế trên không, thì lời thề Hippocrate vẫn là kim chỉ nam của người thầy thuốc. "Một bác sĩ tình cờ có mặt trên chuyến bay sẽ thiên về gợi ý chuyển hướng", T.J. Doyle, giám đốc y tế của công ty tư vấn các tình huống y tế khẩn cấp cho các hãng bay STAT-MD, nói. "Những tình nguyện viên y tế là người thu thập dữ liệu và thực hiện các biện pháp sơ cứu, mà không nên là người ra quyết định".
Thực tế, chuyển hướng một chuyến bay khá tốn kém, và do đó cơ trưởng phải cân nhắc tới rất nhiều yếu tố trước khi ra quyết định. Perry Flint, phát ngôn viên của nhóm thương mại hàng không thuộc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), xác nhận có thể phải chi 10.000 đến 200.000 USD để chuyển hướng một chuyến bay.
Mọi hãng hàng không đều có đội ngũ chuyên gia tư vấn y tế dưới mặt đất để hỗ trợ những bác sĩ tình nguyện trên máy bay. Nhờ vậy, hãng có thể giảm chi phí hạ cánh khẩn cấp, mà phi hành đoàn vẫn có thể xử lý tình huống theo lời khuyên trực tiếp từ chuyên gia.
Paulo Alves, giám đốc y tế hàng không toàn cầu của công ty SOS quốc tế MedAire, cho biết, chỉ 1,6% các chuyến bay liên lạc với tổ tư vấn của MedAire bị chuyển hướng. Ông đánh giá, các hãng hàng không nhận thấy giá trị của quyết định bỏ qua những nhân viên y tế tình cờ có mặt trên chuyến bay.
"Nếu mô hình này không tạo ra lợi ích kinh tế, các hãng hàng không sẽ không thuê chúng tôi. Bác sĩ có xu hướng đề nghị phi công hạ cánh nhiều hơn chúng tôi, và tất nhiên họ không muốn chịu trách nhiệm về lâu dài", ông Paulo bày tỏ.
Những công ty như MedAire, trong đơn vị khẩn cấp của Trung tâm Y tế Banner-University Medical Center Phoenix, đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chuyển hướng chuyến bay. STAT-MD Inc., cung cấp dịch vụ tương tự và sử dụng các bác sĩ từ Đại học Pittsburgh, hợp tác với khoảng 20 hãng hàng không nội địa Mỹ và quốc tế. Đại diện đơn vị này nói rằng họ giảm thiểu những tình huống hạ cánh - điều thường được khuyến nghị bởi các bác sĩ không có chuyên môn thích hợp hoặc lo lắng thái quá.
Vậy nếu khách gặp nạn mà không có bác sĩ trên máy bay thì phi hành đoàn sẽ làm gì? British Airways cho biết hành khách luôn phán xét phi hành đoàn, cho dù tiếp viên có cố gắng tự giải quyết tình huống hay không, yêu cầu những hành khách có chuyên môn y tế phù hợp hay không, kết nối để nghe các chuyên gia y tế dưới mặt đất tư vấn hay không. Thông tin này cũng sẽ giúp phi công quyết định có nên chuyển hướng máy bay để đưa khách đến bệnh viện hay không, theo Telegraph.
Tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Anh được dạy cách nói chuyện với một giọng điềm tĩnh nhưng có uy để giúp hành khách lấy lại bình tĩnh. Chương trình đào tạo y tế của hãng bao gồm những nội dung cơ bản nhất từ sử dụng máy khử rung tim đến hô hấp nhân tạo, giúp người bị ngạt thở, đỡ đẻ và cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, đội ngũ tiếp viên đều được trải qua một khóa đào tạo ngắn về sơ cứu, cấp cứu, trong đó có những tiếp viên có chứng chỉ được sử dụng máy khử rung tim trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, tiếp viên các hãng đều được dạy kỹ thuật CPR, hộ sản, xử lý trường hợp khách bay bị nhồi máu cơ tim, động kinh, đột quỵ, co giật, bỏng...
Bảo Ngọc
Xem thêm