Trả lời:
Đúng là côn trùng có màu sắc khúc đen, khúc cam mà người dân vẫn hay gọi là kiến ba khoang thực chất là loài bọ cánh cứng nhỏ thuộc họ cánh cộc (Staphylinidae).
Loài bọ này được gọi là cánh cộc vì đôi cánh cứng của chúng ngắn, chỉ vừa đủ che kín đôi cánh màng gấp gọn bên dưới. Đặc điểm này khiến chúng trông như một "anh chàng" đánh trần nhưng khoác áo gi-lê. Ở Việt Nam, phần lớn các loài bọ cánh cộc bay vào nhà thuộc giống Paederus, phổ biến nhất là loài Paederus fuscipes.
Với cơ thể nhỏ hẹp, dài khoảng 10 mm, kích thước tương đương một con kiến cỡ trung bình và khả năng di chuyển nhanh nhẹn, không khó hiểu khi người dân thường nhầm chúng với kiến. Ở miền Bắc, nông dân vẫn quen gọi chúng là "kiến ruộng". Loài bọ này có thân màu đỏ nâu, trong khi đôi cánh cộc ở giữa lại xanh đen bóng, tạo thành ba khoang màu sắc rõ rệt trên lưng. Chính từ đặc điểm này, chúng được gọi là "kiến ba khoang".
Các nhà côn trùng học Việt Nam không đồng tình với cách gọi "kiến ba khoang" vì tên gọi này dễ gây ra nhiều nhầm lẫn không đáng có. Do đó, họ đã đặt tên chính thức cho loài này là bọ cánh cộc ba khoang. Tên gọi này không chỉ giúp "minh oan" cho họ nhà kiến, mà còn tạo sự phân biệt rõ ràng với một loài bọ cánh cứng khác có hình thái tương tự và cũng mang tên liên quan đến "ba khoang". Loài bọ đó là Ophionea nigrofasiata, một loài bọ cánh cứng nhỏ săn mồi thuộc họ chân chạy (Carabidae), thường được tìm thấy trên đồng ruộng. Việc đặt tên đúng không chỉ giúp tránh nhầm lẫn mà còn hỗ trợ công tác nghiên cứu và nhận diện chính xác các loài côn trùng trong tự nhiên.
GS.TS Nguyễn Viết Tùng
Phó chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam