Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cuối tháng 8 đã gửi hai phương án nghỉ Tết để lấy ý kiến 16 cơ quan bộ ngành và hạn cuối ngày 15/9. Song quá hạn gần một tuần, một số đơn vị chưa gửi góp ý về để tổng hợp trình Thủ tướng quyết định.
Giải thích việc lịch nghỉ Tết không cố định hàng năm, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, đơn vị xây dựng phương án nghỉ Tết, cho biết Bộ luật Lao động năm 2012 và năm 2019 sửa đổi đều quy định nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày. Song Bộ luật năm 2019 bổ sung quy định hàng năm căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng sẽ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và ngày Quốc khánh. Nếu ngày nghỉ chính thức trùng với ngày nghỉ hàng tuần sẽ áp dụng nguyên tắc liền kề hoặc hoán đổi để người dân có kỳ nghỉ kéo dài.
Theo ông Thắng, việc lấy ý kiến các bộ ngành là cũng thực hiện theo quy định pháp luật vì tác động đến quyền lợi của hàng chục triệu lao động, công chức, viên chức. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, toàn diện rồi mới đề xuất Thủ tướng phương án nghỉ Tết hợp lý nhất.
Tuy nhiên, chuyên gia lao động Phạm Minh Huân đánh giá việc xin ý kiến bộ ngành hiện nay mang tính hình thức, cần thay đổi. Chính phủ nên đưa ra nguyên tắc chung về nghỉ Tết. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ vào đó để xây dựng và công bố sớm lịch nghỉ hàng năm cho lao động, doanh nghiệp chủ động sản xuất.
Nguyên tắc này cần đảm bảo đúng luật là nghỉ Tết cố định 5 ngày, thực hiện các ngày nghỉ liền kề, hoán đổi theo quy định. Nếu có ngày làm việc xen kẽ giữa nghỉ Tết và cuối tuần thì cho nghỉ luôn và làm bù vào tuần kế tiếp. Ngoài ra, cần quy định tổng số ngày nghỉ Tết tối đa bao nhiêu. Nếu cả ngày nghỉ chính thức, hàng tuần, hoán đổi mà quá dài thì Chính phủ có thể cắt bớt và bù vào một dịp lễ khác trong năm.
Chính phủ có thể đưa nguyên tắc này vào một văn bản hướng dẫn liên quan Bộ luật Lao động. Theo ông Huân, áp dụng nguyên tắc nào thì cũng cần tạo điều kiện nghỉ trước Tết sớm để người dân về quê, bởi phần lớn lao động vẫn là di cư. "Khi đã áp dụng hết nguyên tắc mà không thể đưa ra phương án hợp lý thì mới xin ý kiến bộ ngành, còn không thì bộ chủ quản cứ thế mà làm", ông nói.
Phương án nghỉ Tết năm nay gây nhiều ý kiến trái chiều. Các bộ Nội vụ, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường ủng hộ phương án nghỉ 7 ngày, từ 29 tháng chạp. Bộ Tài chính đồng tình nghỉ 9 ngày, từ 30 tháng chạp. Riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất thêm phương án nghỉ 8 ngày và điều chỉnh nghỉ sớm từ 28 tháng chạp. Một số bộ ngành chưa gửi góp ý.
Giải thích về hai phương án nghỉ từ 29 và 30 tháng chạp, Cục trưởng An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết đã cân nhắc lợi ích nhiều bên, phù hợp với công chức, lao động và sản xuất doanh nghiệp. Về đề xuất điều chỉnh thời điểm nghỉ từ 28 tháng chạp của Tổng liên đoàn Lao động, Bộ đang chờ ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp. Bộ sẽ căn cứ quyền lợi các bên để có phương án cân bằng. Nhưng nếu nghỉ nhiều, nghỉ sớm thì doanh nghiệp nước ngoài, xuất khẩu khó hoạt động vì không nghỉ Tết Âm lịch như Việt Nam.
"Doanh nghiệp có thể tự sắp xếp, chủ động bố trí thêm ngày nghỉ cho người lao động, áp dụng nghỉ xen kẽ, nghỉ bù để có tổng số ngày kéo dài", ông Thắng nói.
Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày sau đây: Tết Dương lịch một ngày (1/1 hàng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 âm lịch).
Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh.
Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.
Hồng Chiêu