Hồi tháng 8, mẫu thử của Swiatek dương tính với trimetazidine (TMZ), loại chất nằm trong danh mục chất cấm của Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA). Đến tháng 9, Swiatek gửi đơn khiếu nại trong lúc thực hiện án phạt cấm thi đấu tạm thời, còn Cơ quan Liêm chính Quần vợt quốc tế (ITIA) tiến hành điều tra vụ việc. Toàn bộ quá trình diễn ra thầm lặng, cho đến khi thông tin được công khai hôm 28/11.
Đầu tiên, điều này không sai quy tắc. WADA không bắt buộc các bên liên quan phải công bố lệnh đình chỉ thi đấu tạm thời. Một số môn thể thao sẽ lập tức thông báo rộng rãi với vụ việc tương tự, và thực tế đó là cách làm của quần vợt, khi tôn chỉ của ITIA hướng đến sự minh bạch. Tuy nhiên, ngoại lệ sẽ xuất hiện khi tay vợt bị tạm treo vợt đâm đơn khiếu nại trong vòng 10 ngày kể từ lúc nhận thông tin. Vụ án doping của Swiatek là một trường hợp như vậy.
Sau khi nhận đơn khiếu nại, vụ việc được đặt vào trạng thái "đang điều tra", do đó ITIA giữ kín thông tin cho đến khi có kết luận cuối cùng. Về phía tay vợt, họ được phép công khai sự việc, không có điều luật nào cấm. Trong trường hợp cụ thể của Swiatek, cô giải thích nguyên nhân vắng mặt ở hàng loạt sự kiện tại châu Á hồi tháng Chín vì lý do cá nhân.
Trong phần trả lời truyền thông qua điện thoại cách đây vài ngày, Karen Moorhouse - CEO của ITIA - nhấn mạnh các quy định được đưa ra hướng đến sự công bằng có hiệu quả cho tất cả đối tượng: "Chúng tôi hoàn toàn minh bạch thông tin sau khi có kết quả cuối cùng". Theo bà Moorhouse, mỗi môn thể thao phải cân nhắc xem điều gì là tốt nhất cho các bên liên quan nếu chọn cách bảo mật thông tin. Với ITIA, bà Moorhouse khẳng định tổ chức này thường xuyên xem xét và đánh giá lại quy trình, sự hiệu quả sau mỗi vụ việc.
Thực tế cho thấy không phải ai cũng đồng quan điểm với cách tiếp cận này. Những người phản đối tin rằng việc bảo mật thông tin doping sẽ càng khuyến khích sự suy đoán và những tin đồn. Ngoài ra, không phải mọi VĐV hay tay vợt cũng có sẵn điều kiện tài chính hoặc hỗ trợ pháp lý để nhanh chóng gửi hồ sơ khiếu nại nhằm giữ kín thông tin, như trường hợp của Swiatek, và trước đó là Jannik Sinner - tay vợt nam số một thế giới.
Từng vụ việc lại khác nhau, nên mọi so sánh đều khập khiễng. Trở lại với Sinner, tay vợt Italy bị nhiễm clostebol, một loại chất cấm. ITIA đánh giá Sinner không chủ động sử dụng doping. Đây được nhìn nhận là sự cố do chuyên gia vật lý trị liệu của anh mắc lỗi trong lúc massage. Vì vậy Sinner không bị phạt cấm thi đấu.
WADA kháng cáo quyết định này lên Toà Trọng tài Thể thao (CAS), cho rằng kết luận Sinner "không có lỗi hoặc sơ suất" của ITIA là không đúng các quy định hiện hành. WADA thể hiện rõ quan điểm mọi VĐV phải chịu trách nhiệm về các chất được tìm thấy trong cơ thể họ. Vì vậy, tổ chức này cho rằng mức độ vụ việc của Sinner cần được nâng lên thành "vi phạm không nghiêm trọng hoặc bất cẩn", từ đó đề nghị án cấm thi đấu một đến hai năm với anh.
Tương tự Sinner, WADA có thể kháng cáo phán quyết của Swiatek, dù không có nhiều tiền lệ với trường hợp "vi phạm không nghiêm trọng hoặc bất cẩn". Theo quy định, WADA có 15 ngày để yêu cầu các bên cung cấp hồ sơ vụ việc của Swiatek. Sau 21 ngày nghiên cứu tài liệu, WADA phải gửi đơn kháng cáo lên CAS nếu có nguyện vọng. Thời hạn này có thể kéo dài nếu Cơ quan Phòng chống doping Ba Lan can thiệp vào vụ việc.
Phán quyết "vi phạm không nghiêm trọng hoặc bất cẩn" được chia thành ba cấp độ: thấp, trung bình và cao, với lệnh cấm thi đấu trung bình thường tăng dần theo thứ tự từ một đến tám tháng, tám đến 16 tháng và 16 tháng đến 24 tháng.
Ben Rutherford, Giám đốc cấp cao của bộ phận pháp lý tại ITIA, giải thích rõ hơn về một quyết định phạt được đưa ra: "Khi vụ việc được khép vào một cấp độ cụ thể, chúng tôi tiếp tục xác định lỗi khách quan. Bạn xem xét kĩ loại chất cấm. Có gây nguy hiểm không? Liệu có phải thuốc thông dụng tại quốc gia đó không? Hay đây là loại chất bổ sung, bổ trợ cơ thể?".
Ông Rutherford nói thêm: "Sau đó, chúng tôi đánh giá lỗi chủ quan. Trình độ học vấn của tay vợt như thế nào? Bao nhiêu tuổi? Họ có những nguồn cung cấp nào để sử dụng loại thuốc đó? Họ thực hiện bao nhiêu bước về việc kiểm tra nhãn thuốc, hướng dẫn sử dụng? Họ có nhận lời khuyên phù hợp từ bác sĩ thể thao không? Họ có kiểm tra loại chất hoặc loại thuốc đó trên trang web của WADA không? Vài câu hỏi ví dụ vậy".
Trường hợp của Swiatek, cô được kết luận "vi phạm không nghiêm trọng hoặc bất cẩn". Tay vợt 23 tuổi rơi vào khung sai phạm nhỏ nhất nên thời gian cấm thi đấu khá ngắn. Swiatek đã chứng minh được cô không hề biết sự xuất hiện của chất cấm có trong loại thuốc cô sử dụng. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ của án phạt. Trong trường hợp này, việc Swiatek được xác định dùng chất cấm vô thức đã giúp cô giảm án.
Đến đây, không ít người lập luận rằng Swiatek và đội ngũ, gồm các bác sĩ riêng, đã thiếu trách nhiệm với bản thân, với những quy định phòng chống doping nghiêm ngặt. Dường như có sự chủ quan, thậm chí khinh suất, từ Swiatek cùng những người thân cận khi dùng một loại thuốc được bày bán không cần đơn ở Ba Lan.
Và điều tồi tệ xảy ra. Thuốc được Swiatek dùng chứa TMZ. Theo Cơ quan Dược phẩm châu Âu, loại chất này là thành phần chính của nhóm thuốc tim mạch, dùng để ngăn ngừa đau thắt ngực, cùng những cơn đau đột ngột ở hàm và lưng, do giảm lưu thông máu đến tim vì hoạt động thể chất.
Có chức năng tăng cường khả năng tuần hoàn máu, TMZ được đưa vào danh mục chất cấm của WADA từ năm 2014, dán nhãn chất điều biến chuyển hoá. Phụ lục nêu rõ các VĐV bị cấm sử dụng, cả trong lẫn ngoài thời điểm thi đấu.
Tiến sĩ Elizabeth Murray, làm việc ở khoa cấp cứu Nhi thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rochester, từng trả lời kênh CNN năm 2022 về TMZ. "Loại thuốc này giúp tim bạn hoạt động hiệu quả hơn. TMZ không làm thay đối huyết áp hoặc nhịp tim quá nhiều", bà Murray nói. "Chất này không gây bồn chồn hoặc những phản ứng phụ khác cho VĐV. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, hiệu suất hoạt động của họ có thể tăng lên trong khoảng thời gian dài hơn. Thuốc cũng có khả năng cải thiện sức bền của VĐV".
Cụ thể với Swiatek, lượng TMZ tìm thấy trong cơ thể tay vợt số hai thế giới là cực kỳ nhỏ. Tiến sĩ Andrzej Pokrywka, chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống doping và chính là người đề xuất đưa TMZ vào danh sách chất cấm của WADA, phân tích về báo cáo mẫu thử của Swiatek: "Nồng độ TMZ trong mẫu nước tiểu là rất thấp. Còn xét nghiệm từ mẫu tóc của VĐV cho kết quả âm tính. Điều này chứng tỏ VĐV uống một lượng TMZ rất ít, thậm chí chưa bằng một liều điều trị nhỏ nhất thường được kê của chất này".
Trong đơn khiếu nại, Swiatek khẳng định cô dùng một loại thuốc không cần kê đơn có chứa melatonin - loại thuốc thông dụng được khuyến nghị cho giới VĐV - theo chỉ định của bác sĩ riêng, nhằm chống lại chứng mệt mỏi do lệch múi giờ khi đi máy bay và hỗ trợ giấc ngủ. Sau hàng loạt kiểm tra ở những phòng thí nghiệm độc lập, kết quả nói rằng loại thuốc Swiatek dùng đã nhiễm TMZ.
Đây là chi tiết quan trọng để ITIA kết luận Swiatek không chủ ý dùng TMZ, và việc cô vi phạm là sơ suất. ITIA cũng cho biết họ đã nghe điều trần từ VĐV, đội ngũ, đồng thời điều tra và phân tích từ hai phòng thí nghiệm được WADA công nhận.
Dù nguyên nhân là bất cẩn, vụ việc của Swiatek và cả Sinner làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh môn quần vợt. Không ít người hâm mộ tỏ ra thất vọng với những gì đang diễn ra. Ngoài ra, sự minh bạch và công bằng cũng bị đặt dấu hỏi, đặc biệt là yếu tố không bắt buộc cập nhật thông tin cho công chúng.
Vy Anh