Phiên 8/7, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng - cao nhất trong 1,5 năm. Nhưng điều này không phải diễn biến bất thường, bởi thực tế khối ngoại đã bán 23 phiên liên tiếp.
Trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), động thái bán ra của các nhà đầu tư ngoại ghi nhận liên tục trong một năm qua, duy nhất tháng 1/2024 họ mua vào. Tổng quy mô khối ngoại rút trên HoSE gần 65.000 tỷ đồng, riêng từ đầu năm đến nay là 46.000 tỷ (tương đương 1,6 tỷ USD).
Theo bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), xu hướng rút vốn của khối ngoại có thể quan sát qua các quỹ ETF (một loại quỹ giao dịch trên thị trường chứng khoán), với việc giải thể iShares Frontier. Phần lớn các quỹ ETF rút vốn trong tháng 6 chủ yếu đến từ ba quỹ lớn là DCVFM VNDiamond, Fubon và iShares Frontier. Ngoài ra, một số quỹ bị rút vốn giá trị nhỏ hơn như Xtrackers FTSE, VanEck hay SSIAM VNFin Lead.
Động thái rút vốn của khối ngoại, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta đến từ tỷ giá và áp lực KPI của đơn vị quản lý quỹ khi phải đạt chỉ tiêu vượt chỉ số chung hoặc cao hơn quỹ khác.
Ông phân tích, nhà đầu tư trong nước có thể không cảm nhận rõ áp lực về tỷ giá gần đây, nhưng với khối ngoại thì khác. Họ đầu tư vào Việt Nam bằng đôla Mỹ, dùng tiền đồng để giao dịch và hiện thực hóa lợi nhuận trở lại bằng đồng bạc xanh. Từ đầu năm nay, VND mất giá khoảng 4,7% so với USD, tức là tiền để trong tài khoản cũng khiến họ chịu mức lỗ tương ứng.
"Với những nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư quản lý danh mục quy mô lớn, tỷ giá thay đổi 1-2% là rất cao, chứ chưa nói đến mức điều chỉnh 4-5%", chuyên gia từ Yuanta nhận xét.
Chiếm tỷ trọng đầu tư chính trong rổ vốn hóa lớn VN30, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng là một phần nguyên nhân khiến VN-Index chưa thoát được vùng 1.200-1.300 điểm. Chẳng hạn, phiên bán ròng kỷ lục hôm 8/7, nhiều mã VN30 mở phiên trong sắc xanh nhưng đóng cửa dưới tham chiếu trước lực bán của nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn ngoại dịch chuyển còn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Nếu xét về mức tăng của chỉ số chứng khoán, những thị trường cận biên và mới nổi có hiệu suất thấp hơn so với khu vực phát triển, chưa tính tới thay đổi tỷ giá.
6 tháng qua, Nasdaq và S&P 500 của Phố Wall đứng trong nhóm những chỉ số tăng cao nhất, lần lượt 26,35% và 18,52%. Nikkei 225 của Nhật Bản thêm 22%, còn Taiwan Index (Đài Loan) hơn 30%. Trong khi đó, Thái Lan giảm trên 8%, Indonesia hay Philippines cũng chìm trong sắc đỏ. VN-Index của Việt Nam xếp trong nhóm tích cực, nhưng biên độ tăng quanh 13%.
Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có động thái rút vốn ở nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực Đông Nam Á. Tính từ đầu năm, khối ngoại rút ròng hơn 3,2 tỷ USD trên thị trường Thái Lan, Philippines trên 500 triệu USD, còn Indonesia khoảng 400 triệu USD. Trong khi các thị trường có hiệu suất tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là nơi ghi nhận dòng tiền đầu tư nước ngoài dương.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng trong bối cảnh các thị trường như Phố Wall hay Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc, áp lực dịch chuyển dòng vốn là điều khó tránh. "Áp lực KPI của các quỹ không hề nhỏ, bắt buộc họ phải giữ danh mục đầu tư của mình vượt qua mức tăng của chỉ số (index) hoặc không thua các đối thủ khác", ông Minh nói.
Tương tự nhận xét của ông Minh, nhóm phân tích của PHS cũng cho rằng một phần lý do rút ròng khỏi các thị trường cận biên, mới nổi nằm ở câu chuyện tỷ giá và mức độ hấp dẫn giữa các thị trường. "Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tại Mỹ đang duy trì ở mức khá cao, chứng khoán nước này tăng vượt đỉnh, dòng vốn có xu hướng chảy ngược về các kênh đầu tư tại đây", báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm nay của PHS viết.
Bình luận về động thái bán ròng của khối ngoại tại một sự kiện đầu tháng 7, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Bùi Hoàng Hải nói chuyện bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tiêu cực. Nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam hiện sở hữu danh mục đầu tư khoảng 46-49 tỷ USD, chiếm trên 16% tổng vốn hóa thị trường. "Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài nhưng tổng sở hữu của khối ngoại vẫn ở nhóm cao nhất Đông Nam Á", ông Hải nêu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng khối ngoại điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là "việc bình thường". "Đâu đó có chuyện quỹ này quỹ kia của nước ngoài thay đổi khẩu vị rủi ro do cách quản trị của họ", ông Chi nhận xét và thêm rằng bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Tuy vậy, trong ngắn hạn theo ông Nguyễn Thế Minh "khó kỳ vọng sự đảo chiều nhanh chóng của dòng vốn ngoại". "Khối ngoại vẫn thích thị trường Việt Nam và họ khẳng định sẽ đầu tư, nhưng lúc này có thể chưa phải thời điểm thích hợp", chuyên gia từ Yuanta bình luận.
Trong khi đó, dự báo của SSI Research cho rằng áp lực rút vốn này có thể giảm bớt vào cuối năm nay, với kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất sẽ tạo động lực tích cực mới cho thị trường. "Lãi suất tăng và tỷ giá biến động có thể đã phản ánh lên sự sụt giảm của thanh khoản thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Dù vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì mục tiêu 1.300-1.350 điểm cho VN-Index vào cuối năm 2024", báo cáo triển vọng cuối năm nay của SSI Research viết.
Minh Sơn