Jason Bourne xuất hiện trên màn ảnh rộng vào năm 2002, muộn hơn hai thương hiệu điệp viên lừng danh khác là 007 và Mission: Impossible. Tuy nhiên, loạt phim này nhanh chóng gây tiếng vang và trở thành tượng đài số một trong dòng phim hành động điệp viên. Sau 14 năm lên màn bạc, tổng doanh thu các phim Bourne tới nay là 1,2 tỷ USD. Riêng phần ba - The Bourne Ultimatum - giành ba giải Oscar ở các hạng mục kỹ thuật vào năm 2007.
Hình mẫu điệp viên chân thực của thế kỷ 21
Cũng như James Bond, Jason Bourne bắt nguồn từ văn học. Nhân vật này được sáng tạo bởi nhà văn Robert Ludlum và xuất hiện trong 12 cuốn tiểu thuyết. Dù vậy, bộ phim đầu tiên về Bourne là The Bourne Identity (2002) có nội dung chuyển thể rất ít từ nội dung sách. Về cơ bản, đạo diễn Doug Liman gần như tạo ra một câu chuyện mới. Nhân vật chính của phim là Jason Bourne, một điệp viên tài ba mất trí nhớ, phải đối mặt với vô số kẻ thù nguy hiểm, bao gồm cả tổ chức tạo ra anh là CIA.
Điểm thu hút nhất của loạt phim Bourne là những pha hành động bài bản và thực tế. Các thế đánh trong phim không hẳn là đẹp mắt nhưng thần tốc và rất hiệu quả, lấy cảm hứng từ Triệt Quyền Đạo, Krav Maga và Filipino Kali. Các nhân vật cũng khéo léo dùng đồ vật làm vũ khí, thậm chí có cả một trận đấu bằng bút (The Bourne Identity) và bằng tạp chí (The Bourne Ultimatum).
Phim không có những môtíp sáo mòn như kẻ xấu bắn “trăm phát trăm hụt” hay nhân vật chính mặc nhiên xông vào sào huyệt địch càn quét. Thay vào đó, nhóm điệp viên luôn phải tính toán kỹ lưỡng từng hành động cũng như môi trường xung quanh trước khi ra tay. Đặc điểm này thể hiện rõ ở một trường đoạn trong The Bourne Identity khi Bourne hướng dẫn từ xa cho Marie làm nhiệm vụ. Vì cô gái không hề có kinh nghiệm, Bourne đã yêu cầu cặn kẽ cô phải nhớ số bước chân cũng như đếm kỹ số người trong phòng.
Khi ghi hình ngoài Bắc Mỹ, loạt phim Bourne cũng thể hiện những góc nhìn chân thực nhất chứ không phô trương những hình ảnh hoa mỹ. Một ví dụ là đoạn phim ở London trong The Bourne Ultimatum. Thay vì đưa lên phim những địa danh nổi tiếng thì đạo diễn chọn quay ở những nơi bình thường, trong đó đặc biệt nhất là cảnh ở ga Waterloo. Đoàn phim đã làm việc ở đây khi trạm xe lửa vẫn đang hoạt động, thậm chí còn có cảnh nhiều người dân chỉ trỏ diễn viên.
Paul Greengrass là bậc thầy trong việc sử dụng shaky cam (máy quay rung lắc), trong đó người quay phim cầm camera trong tay và không dùng đến các kỹ thuật ổn định hình ảnh. Trong hai phần Bourne mà ông thực hiện - The Bourne Supremacy và The Bourne Ultimatum, độ rung lắc tăng dần với sự hỗn loạn và căng thẳng, nhất là trong các cảnh hành động. Cách quay này giúp khán giả cảm thấy như đang đồng hành cùng các nhân vật, dù nó khiến một số người cảm thấy khó chịu.
Cảnh rượt đuổi xe hơi kinh điển trong "The Bourne Supremacy" |
|
Chất hiện thực và thời sự trong kịch bản
Một ưu điểm khác của loạt phim Bourne là phần kịch bản phức tạp và theo sát các vấn đề thời sự. Trong đó, một chủ đề lặp đi lặp lại là sự tha hóa của chính phủ. Kẻ phản diện trong phim không phải là những tên tỷ phú vĩ cuồng hay trùm tội phạm mà chính là những người có vai vế trong chính quyền. Bằng nhiều cách, phe cánh này đã dựng nên các tổ chức tối mật để tuyển dụng những người như Bourne đi làm nhiệm vụ mờ ám.
Trong phần năm, các nhà làm phim bàn đến việc đánh cắp thông tin và những lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, vốn là một chủ đề nóng bỏng đương đại. Điều này khiến khán giả cảm thấy không phải như đang xem phim hành động mà được chứng kiến một thế giới thật của những tổ chức bí mật.
Một điều thú vị là chính Jason Bourne góp phần khiến hình tượng James Bond phải thay đổi. Khi Bourne ra mắt, loạt phim về 007 đang đi vào ngõ cụt với Die Another Day (2002) bị chê bai hết lời. Các nhà sản xuất quyết định xây dựng một Bond mới do Daniel Craig thể hiện, thô ráp hơn và thực tế hơn. Định hướng này đã được duy trì suốt bốn phim gần nhất. Tầm ảnh hưởng của Bourne cũng dễ dàng nhận thấy ở một số phim khác như các phim: Salt, Haywire, Hanna và Unknown.
Siêu điệp viên tái xuất mùa hè 2016
Dù thương hiệu Bourne thành công là vậy, nội bộ đoàn phim lại vô cùng phức tạp. Paul Greengrass nổi danh vì phong cách “vừa làm vừa tính” trên trường quay. Đối với ông, kịch bản chỉ là những trang giấy và đến khi quay, ông luôn có những biến tấu theo ý mình. Điều này khiến đạo diễn mâu thuẫn sâu sắc với biên kịch của ba phim đầu tiên về Bourne - ông Tony Gilroy.
Đến The Bourne Legacy (2012), Greengrass không góp mặt và Tony Gilroy đích thân làm đạo diễn. Vốn là bạn thân của Greengrass, nam diễn viên chính Matt Damon từ chối tham gia. Bản thân Damon cũng từng chỉ trích thậm tệ Gilroy vì kịch bản gốc The Bourne Ultimatum. Anh cho rằng phim này thành công vì Greengrass đã tự phát triển thêm, còn bản thảo mà Gilroy đưa thậm chí "không đọc nổi".
Sau thất bại của The Bourne Legacy, Tony Gilroy phải rời khỏi loạt phim Bourne. Trong tập phim mới nhất - Jason Bourne - Paul Greengrass quay lại và giữ cả hai vai trò đạo diễn và biên kịch, còn Matt Damon một lần nữa thủ vai chính. Ở tuổi 45, nam diễn viên phải trải qua quá trình tập luyện khốc liệt để có thể lực vào vai. Câu chuyện trong phần này hé lộ thêm những bí mật về thân thế của Jason Bourne cũng như cha anh. Cái chết của người cha đã khiến Bourne quyết tâm tham gia chương trình đào tạo thành điệp viên kiêm sát thủ của CIA. Sự xuất hiện của bông hồng Thụy Điển - Alicia Vikander - tạo điểm nhấn mới cho phim bên cạnh một Matt Damon gây ấn tượng ở những cảnh diễn nội tâm.
Jason Bourne (Siêu điệp viên Jason Bourne) ra mắt từ ngày 29/7.
>> Xem thêm:
Những chàng điệp viên ấn tượng của màn bạc đầu thế kỷ 21
Những bộ phim nổi tiếng về đề tài điệp viên
8 pha mạo hiểm xe hơi được quay thật trên phim
Ân Nguyễn