Bài viết dưới đây là chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Leandie Buys về các vấn đề trong hôn nhân của những đôi ngoại tình, dựa trên kinh nghiệm từng trị liệu cho trên 1000 đôi của bà.
Rất nhiều khách hàng đến với tôi là những đôi từng suy sụp bởi chuyện ngoại tình. Tôi giúp họ tìm cách vượt qua hậu quả của ngoại tình và sửa chữa cuộc hôn nhân của mình cũng như gây dựng lại niềm tin và sự ổn định hay hướng tới một cuộc ly hôn "êm thấm".
Mặc dầu chẳng có cái thực sự gọi là ly hôn "êm thấm", tôi tin rằng mỗi người khi rời bỏ hôn nhân đã có sự thấu hiểu sâu sắc về chính mình, về thứ dẫn họ tới việc ly dị và cách để họ xây dựng lại lòng tự trọng, sự tự tin trong tương lai. Việc của tôi là giúp họ làm sao tránh những mảnh vỡ từ cuộc hôn nhân trước ảnh hưởng tới mối quan hệ sau.
Ly hôn không phải lúc nào cũng sai
Đôi khi, ly hôn là lựa chọn tốt nhất cho một đôi, nhất khi tách ra họ thấy mình vẫn tự tin, khỏe khoắn hơn là cay đắng, giận dữ, bực bội khi chung sống với nhau. Điều này đặc biệt đúng khi liên quan đến con cái. Những đứa trẻ nên có bố mẹ lành mạnh, hạnh phúc như một tấm gương và chẳng tốt chút nào cho con cái khi chứng kiến các đấng sinh thành hủy hoại lẫn nhau.
Các con số thống kê không mấy tích cực
Tôi nhiều lần tư vấn cho các đôi từng là bồ bịch và đang chật vật xây dựng mối quan hệ mới với cương vị vợ - chồng mặc dầu ban đầu họ lao đến với nhau bằng niềm đam mê cháy bỏng. Theo các nghiên cứu, hơn 75% những đôi này sẽ ly hôn sau 5 năm.
Thực tế, cũng có nhiều cặp rất hạnh phúc nhưng họ phải nỗ lực vô cùng lớn.
Mối quan hệ của họ bắt đầu với rất nhiều đam mê, sự hào hứng và hương vị "mới mẻ". Có thể, khi gặp một người, họ nhận ra mình từng quá bất hạnh trong hôn nhân suốt nhiều năm. Họ sẽ kể với người tình rằng mối quan hệ cũ "đã chấm hết", rồi vợ/chồng mình tệ thế nào và họ đã không bao giờ được cảm thấy được trân trọng hoặc trưởng thành trong cuộc hôn nhân đó ra sao.
Trước đó, họ từng tin mình là người có đạo đức, với những giá trị và sẽ không bao giờ phản bội, cho tới khi gặp "nửa thực sự" - người đặc biệt và độc đáo tới nỗi họ sẵn sàng đánh đổi tất cả những thứ mình có để được ở bên người đó.
Tuy nhiên, sự chán nản và thất vọng nhanh chóng len vào mối quan hệ giữa họ. Bởi một người có thể vẫn chung giường chiếu với bạn đời trong khi chờ hoàn tất thủ tục ly dị. Họ có thể vẫn coi trọng mối ràng buộc gia đình hơn sợi dây kết nối với tình nhân. Chẳng hạn, họ ưu tiên trách nhiệm với người sắp trở thành vợ cũ, con cái, hơn là cuộc hẹn hay chuyến đi lãng mạn với tình nhân.
Vậy mối quan hệ kiểu này có thành công?
Mặc dù tôi luôn cố gắng giúp các đôi hàn gắn hôn nhân của họ trước, đôi khi, chuyện ly dị là không thể tránh khỏi. Và nhiều trường hợp, người ngoại tình sau đó cưới bồ của họ. Công việc của tôi khi là một nhà trị liệu tâm lý là giúp tất cả các đôi xây dựng mối quan hệ vững mạnh, thành công.
Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng tới tổ ấm của những đôi đến với nhau từ mối quan hệ ngoài luồng.
Tin tưởng
Bạn từng nghe cụm từ "ngựa quen đường cũ" với những ai từng ngoại tình một lần? Xây dựng niềm tin là một điều cần ưu tiên nhất trong mối quan hệ kiểu này. Nếu bắt đầu từ một lần phản bội, điều gì giúp nó sẽ không kết thúc theo cách đó?
Một trong những nỗi sợ lớn nhất tôi từng nghe trong quá trình tư vấn của mình là anh/cô ấy sẽ trở lại với người cũ. Nếu một người đã chấp nhận hy sinh điều lớn lao là từ bỏ gia đình để ngoại tình, người mới của họ sẽ dễ cảm thấy tội lỗi và sợ họ sẽ thay đổi và quay lại với gia đình cũ.
Xây dựng sự thành thật và tin tưởng là một thử thách lớn nhất trong mối quan hệ kiểu này. Hãy tìm kiếm lời khuyên từ một chuyên gia trị liệu các vấn đề hôn nhân, nếu cần.
Tôn trọng
Nhiều người hay nói xấu bạn đời cũ. Tình nhân của họ sẽ cho rằng, một người bôi nhọ vợ/chồng cũ thì về sau cũng có thể hành động tương tự với mình nếu mối quan hệ không êm đẹp.
Có cảm xúc giận dữ, tổn thương và bị phản bội khi một mối quan hệ kết thúc bằng sự phản bội là điều dễ hiểu. Những cảm xúc này đến từ hai phía, khi mỗi người cố gắng đổ lỗi cho người kia về kết cục chia ly.
Khi tư vấn cho những đôi như vậy, tôi đề nghị họ nhắc tên vợ/chồng cũ của mình. Nếu bạn nói "vợ cũ" hay "chồng cũ" tức là bạn vẫn vương vấn nhiều về họ. Tuy nhiên, bạn không còn quan hệ hôn nhân với người đó nữa nên hãy chỉ nhắc tên thôi.
Dành sự tôn trọng cho bố/mẹ của con bạn nên được coi là điều tối quan trọng. Dù cảm xúc của bạn với họ thế nào thì cũng nên ưu tiên bảo vệ con mình bằng việc thể hiện sự tôn trọng với bạn đời cũ.
Giao tiếp
Khi người ta ngoại tình với nhau, hầu hết những cuộc trò chuyện giữa họ là về các vấn đề liên quan đến vợ/chồng mình. Khi người kia bỏ gia đình, họ rút cục chẳng còn chuyện gì để nói nữa.
Vì mối quan hệ này khởi đầu ở giai đoạn hỗn loạn, một trong hai người có thể (cố ý hoặc vô tình) tạo ra sự phức tạp, kịch tính khi họ cho đó là cách duy nhất để ràng buộc mình với người tình. Học cách trò chuyện với nhau hằng ngày, từ những việc nhỏ nhặt, đòi hỏi sự tư vấn của chuyên gia trị liệu. Nói và nghe là các kỹ năng và đàn ông cũng như phụ nữ có cách giao tiếp khác nhau. Nhiều đôi nghĩ là họ biết cách giao tiếp với nhau nhưng thực tế lại không phải vậy.
Trở thành bố mẹ kế và có gia đình lớn hơn
Đây thường là vấn đề khó khăn nhất của một mối quan hệ bắt đầu bằng chuyện ngoại tình. Trẻ có thể gây nhiều bất hòa bởi vì bố/mẹ chúng từng bị tổn thương nhiều bởi mối quan hệ mới với bạn.
Thật đáng buồn khi nhiều người lớn sử dụng con cái như những con tốt. Bản tính trẻ luôn thành thật với bố mẹ nhưng chúng có thể bị lôi kéo về tình cảm và buộc phải chọn giữa hai người. Điều này hoàn toàn không công bằng với trẻ và gây rối loạn cảm xúc. Đây là lý do tại sao trẻ thường tỏ thái độ vô lễ và nổi loạn với người thứ 3. Chúng sợ người đó cướp đi bố/mẹ và làm tan nát gia đình mình.
Điều quan trọng là đừng bao giờ để trẻ cảm thấy chúng phải cạnh tranh với người thứ 3 để giành được sự chú ý của bố/mẹ. Khi lấy người mới, bố mẹ vẫn cần thời gian ở riêng với con.
Bên cạnh đó, hãy tạo điều kiện để trẻ có thể xây dựng mối quan hệ tốt với bố/mẹ kế. Thường, bố mẹ kế cũng có con, vì thế cần để trẻ cảm thấy mình là một phần quan trọng trong gia đình mới và tất cả trẻ đều được đối xử công bằng.
Có ranh giới cần thiết
Nhiều người sau khi kết hôn với người mới phàn nàn rằng vợ/chồng cũ của họ gọi điện suốt ngày, kể cả cuối tuần và liên tục hỏi han về con cái. Nên thiết lập ranh giới từ đầu. Mỗi người cần trao đổi và thống nhất với người cũ rằng họ chỉ nên liên lạc khi thực sự cần thiết và chỉ nói về con cái (chứ không phải những thứ lan man khác).
Vương Linh (Theo Capitalfm)