Ngành thép kết thúc những tháng đầu năm ấn tượng khi các doanh nghiệp báo lãi tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Theo công bố của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), riêng tháng 4, sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này ước đạt 216.390 tấn; doanh thu ước đạt 4.550 tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 538 tỷ đồng, tăng trưởng 498% so với cùng kỳ, thiết lập mức kỷ lục mới của doanh nghiệp này.
Trong 9 quý vừa qua (1/1/2019 - 31/3/2021), HSG tăng trưởng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận gộp. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kép bình quân theo quý (CAGR theo quý) của doanh thu là 5,8% và của lợi nhuận gộp là 12,1%. Hơn nữa, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này cũng duy trì ở mức cao, dao động 15-18% trong 6 quý liên tiếp.
Lý giải về kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng trong thời gian qua, đại diện Hoa Sen chia sẻ, ngoài yếu tố thị trường thép diễn biến thuận lợi thì nội tại doanh nghiệp cũng có bước tiến rõ rệt giúp duy trì lợi nhuận tăng trưởng liên tục. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào của tập đoàn liên tục tăng trong thời gian qua nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động từ 15% - 18% trong 6 quý liên tiếp.
Kết quả này xuất phát từ sức mạnh của hệ thống phân phối hơn 536 chi nhánh-cửa hàng trên toàn quốc. Hệ thống phân phối giúp HSG đảm bảo sản lượng đầu ra, mang về dòng tiền mặt dồi dào và ổn định, rút ngắn vòng quay hàng tồn kho và tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, hệ thống sản xuất 10 nhà máy đặt gần các cảng biển lớn với lợi thế về logistics đã hỗ trợ tốt cho HSG và tiết giảm đáng kể chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, giúp HSG có nhiều cơ hội tiếp cận với các thị trường khó tính. Những năm trước, kênh xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 34-37% cơ cấu sản lượng tiêu thụ thành phẩm của tập đoàn. Tuy nhiên, niên độ 2019-2020, kênh xuất khẩu tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng 43% với 644.000 tấn. Cụ thể, bên cạnh thị trường truyền thống, tập đoàn mở rộng ra các thị trường tiềm năng như châu Mỹ, châu Âu để tận dụng hiệu quả điều kiện thuận lợi của CPTPP và EVFTA. Sản lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm của Hoa Sen đạt 416.000 tấn, gồm tôn mạ 397.000 tấn, ống thép 19.121 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trên sản lượng bán hàng 52,5% trong 4 tháng đầu năm vượt qua sản lượng tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng, công tác quản lý chi phí vẫn cũng góp phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh của HSG. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận tốc độ giảm chi phí tài chính đáng kể, với mức 117 tỷ đồng ở quý 2 niên độ tài chính 2020-2021, giảm hơn 40% so với quý 2 niên độ tài chính 2018-2019. Nguyên nhân là HSG đã giảm gần 4.200 tỷ đồng các khoản vay ngân hàng. Hệ thống ERP tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tối ưu hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó chi phí quản lý tiếp tục giảm xuống hơn 50 tỷ đồng một quý suốt thời gian qua. Theo báo cáo của HSG, tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/doanh thu liên tục kéo giảm từ 13,8% về 8,4% vào cuối quý 2 niên độ tài chính 2020-2021.
"Nền tảng tốt từ hệ thống phân phối, hệ thống sản xuất và sau giai đoạn tái cơ cấu toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý hệ thống bằng ERP, quản lý tốt các khoản chi phí, hàng tồn kho, giảm nợ vay ngân hàng mới là chìa khóa then chốt giúp HSG tăng trưởng bền vững", đại diện doanh nghiệp này khẳng định.
Cũng theo công bố, lũy kế 7 tháng niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 đến 30/4/2021) sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt hơn 1,2 triệu tấn, hoàn thành 72% kế hoạch. Doanh thu ước đạt 24.496 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.208 tỷ đồng, tăng trưởng 368% so với cùng kỳ, hoàn thành 147% kế hoạch. Như vậy, 7 tháng của niên độ tài chính 2020-2021, lợi nhuận sau thuế của HSG đã đạt gần gấp đôi lợi nhuận sau thuế của cả niên độ tài chính 2019-2020.
Cổ phiếu của Hoa Sen cũng vào top tăng trưởng nóng. Hệ số EPS trượt của 4 quý gần nhất liên tục gia tăng và đạt mức 5.485 đồng một cổ phiếu vào cuối quý 2 niên độ tài chính 2020-2021. Hệ số ROE trượt 4 quý gần nhất đạt mức 35%. Nếu lấy giá 43.300 đồng một cổ phiếu vào phiên cuối ngày 2/6/2021 thì hệ số PE của HSG là 7,9 lần vẫn thấp hơn trung bình ngành và trung bình toàn thị trường. Điều này phần nào cho thấy dư địa tăng trưởng của HSG vẫn còn khá lớn.
Từ cuối 2020, doanh nghiệp này triển khai thêm chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home, tập trung giải pháp mở mới và nâng cấp các cửa hàng hiện có thành hệ thống siêu thị Hoa Sen Home. Bên cạnh đó, HSG hợp tác với các nhà cung cấp để đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cơ bản và vật liệu xây dựng hoàn thiện. Dự kiến 3-5 năm tới, Hoa Sen sẽ có 1.200 siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home trên toàn quốc, hướng tới mục tiêu sản lượng ba triệu tấn, doanh thu ba tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng.
Chủ trương của Hội đồng quản trị và định hướng chiến lược của Hoa Sen là tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh lành mạnh, đứng vững và phát triển lớn mạnh trên thị trường. Từ đó, từng bước đưa Hoa Sen trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng và nội thất hàng đầu Việt Nam và khu vực ASEAN.
An Nhiên