"Hầm chỉ dài hơn một km nhưng giờ cao điểm xe máy phải mất hơn 15 phút mới qua được, trước đây chưa đến 5 phút", anh Lê Mạnh Tùng nhà ở quận 2 cho biết.
Hầm Thủ Thiêm (đường hầm sông Sài Gòn) vốn chỉ kẹt xe khi trong hầm xảy ra sự cố giao thông. Tuy nhiên, từ tháng 9, tình trạng xe máy ùn ứ trước hầm phía quận 1 và quận 2 thường xuyên xảy ra trong giờ cao điểm.
Hầm có 3 làn xe mỗi bên. Trong đó 2 làn cho ôtô, làn còn lại cho xe máy. Giờ cao điểm sáng, dòng xe máy ken đặc trước cửa hầm đầu quận 2 để vào trung tâm thành phố, tình trạng tương tự xảy ra tại cửa hầm đầu quận 1 vào giờ tan tầm khi dòng xe nối đuôi nhau về quận 2.
Thời điểm mới khánh thành (2011), mỗi ngày có khoảng 68.000 lượt xe máy qua hầm, song hiện có hơn 200.000 xe. Đặc biệt, những tháng cuối năm có đến 270.000 lượt qua mỗi ngày (tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái).
"Đây là nguyên nhân khiến xe ùn ứ trước hai đầu cửa hầm vào giờ cao điểm, tình trạng trước đây không hề có", ông Lê Minh Triết - Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết.
Theo ông Triết, nhiều khu dân cư, khu đô thị hình thành ở phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) đã kéo theo cư dân ở khu vực này tăng lên rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, khu đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm 1 (nối quận 2 – quận 1 - Bình Thạnh) đang thi công mở rộng nên người dân ít chọn đi vào trung tâm thành phố, mà đi bằng đường hầm Thủ Thiêm.
Về góc độ quy hoạch, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nguyên nhân khiến hầm Thủ Thiêm quá tải xe máy vì đây là con đường chính dẫn người dân ở khu đô thị quận 2 vào trung tâm thành phố theo đại lộ Mai Chí Thọ. Thực tế có nhiều cách để người dân khu Đông Sài Gòn lựa chọn đi vào quận 1, song họ phải đi vòng khá xa như cầu Thủ Thiêm 1, cầu Sài Gòn...
Để giảm tình trạng này, theo ông Sơn, thành phố cần sớm đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Thủ Thiêm 2, đồng thời phân luồng xe máy đi qua cầu Thủ Thiêm 1 để giảm áp lực cho hầm Thủ Thiêm.
Trong khi đó, Sở GTVT TP HCM cho biết, tình trạng hầm Thủ Thiêm quá tải đã được dự đoán từ trước. Quy hoạch hạ tầng giao thông của thành phố (đến năm 2020 và tầm nhìn sau đó) được Thủ tướng phê duyệt là xây 21 cầu và hầm vượt sông - nhằm kết nối đôi bờ sông Sài Gòn.
Sắp tới, thành phố sẽ làm 7 cây cầu. Trong đó, 3 cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối khu trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) là: Thủ Thiêm 2 (nối từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ quận 7).
"Riêng cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2018 - sẽ giảm tải cho hầm Thủ Thiêm", đại diện Sở GTVT nói.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng ùn ứ hai đầu hầm, đơn vị quản lý phối hợp với CSGT cho tạm ngưng ôtô vào hầm sông Sài Gòn, nhường đường cho xe máy (đi vào làn ôtô) trong giờ cao điểm. Trường hợp xe chết máy, hư hỏng trong hầm sẽ được nhân viên cứu hộ ngay lập tức, tránh cản lối giao thông.
Lực lượng điều tiết được bố trí 24/24h trước trạm thu phí Thủ Thiêm (đầu hầm quận 2) và tại nút giao Ký Con, đầu hầm quận 1, để xử lý các tình huống. Họ cũng điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ xa tại các nút giao Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt - Ký Con để đảm bảo lượng xe máy vào hầm phù hợp.
Một làn xe tiếp cận khu vực đầu hầm dành cho các loại xe máy cũng được mở, đồng thời tăng thêm một làn cho hướng thoát xe ra khỏi hầm.
Ngoài ra, để tránh ôtô đi từ cầu Calmette (quận 1) xuống cắt ngang dòng xe máy vào hầm từ hướng Võ Văn Kiệt, Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đề nghị Sở GTVT bổ sung biển cấm ôtô vào hầm hướng quận 2 qua quận 1 đi vào làn hỗn hợp Võ Văn Kiệt lúc cao điểm (6-9h và 16-19h).
Bổ sung biển cấm ôtô đi vào đường hầm sông Sài Gòn từ nhánh rẽ cầu Calmette vào thời gian cao điểm chiều 17-19h để không xảy ra giao cắt với lượng xe máy đi vào hầm gây ùn tắc.
Việc này cũng được cho là giảm áp lực khu vực giao lộ Phó Đức Chính - Võ Văn Kiệt, Calmette - làn hỗn hợp Võ Văn Kiệt.
Khánh thành cuối năm 2011, Thủ Thiêm là hầm dìm vượt sông duy nhất tại Việt Nam - hạng mục quan trọng số một của dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á; dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy). Ngoài ra, hầm còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/h.
Một số quy định trong hầm Thủ Thiêm: - Ôtô con và ôtô khách được lưu thông 24/24h; tốc độ tối đa 60 km/h, tối thiểu 30 km/h, khoảng cách tối thiểu 30 m. - Xe máy: chỉ được lưu thông từ 4 đến 23h; tốc độ tối đa 40 km/h. - Cấm tất cả các loại xe: dừng, đỗ; bấm còi; bật đèn ưu tiên (trừ những xe ưu tiên theo quy định); bật đèn ở chế độ chiếu xa và các loại đèn có ánh sáng mạnh khác. - Khuyến cáo: người chạy qua hầm bằng xe máy nên đội loại nón bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn; hạn chế chở trẻ em qua hầm bằng xe máy. |
Hữu Nguyên