Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào diễn biến trận đấu, các CĐV của Hà Nội FC có quyền nói rằng đội bóng của họ vẫn ổn. Lối chơi kiểm soát bóng vẫn được duy trì, tỷ lệ giữ bóng vẫn cao hơn các đối thủ, số tình huống nguy hiểm của họ tạo ra vẫn đem đến sự phấn khích cho người xem. Nghĩa là, xem Hà Nội đá thì thấy vẫn hay, vẫn "truyền cảm hứng", và họ vẫn được xem là đội bóng duy nhất có thể áp đặt lối chơi trước mọi đối thủ.
Nhưng nếu không biến tất cả những thứ đẹp đễ ấy thành kết quả trên sân, Hà Nội FC chẳng khác gì HAGL "đá cho vui" theo kiểu của bầu Đức vài ba mùa giải gần đây. Nói cách khác, việc Hà Nội có thực sự mạnh hơn mọi đối thủ, hay họ chỉ đang sống trong một vỏ bọc hào nhoáng, thì cần thể hiện bằng các con số chuyên môn.
Hà Nội đã và đang chịu rất nhiều "dị nghị" về cái gọi là "liên minh 5-1". Nhưng ở các mùa trước, họ đã cố gắng chứng minh thành công của mình chẳng liên quan gì đến các mối quan hệ với các đội bóng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Sài Gòn FC... Các CĐV họ vẫn sử dụng các thống kê thành tích đối đầu của đội bóng với "nhóm liên minh" và những đội được xem là đối thủ để chứng minh không thể có chuyện Hà Nội thành công dựa trên các mối quan hệ.
Cụ thể, ở mùa 2020, khi Hà Nội cũng khởi đầu kém cỏi, số điểm mà họ có được từ bốn đội Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ là chín điểm qua sáu trận, chiếm tỷ lệ 23% trong tổng số 39 điểm mà Hà Nội có được cả mùa. Trong khi đó, nếu xem HAGL, Viettel, Bình Dương và TP HCM là các "đối thủ không thể để thua", thì Hà Nội lại "gom" được đến tận 20 điểm qua tám trận, tỷ lệ là 51%. Đặc biệt, Hà Nội không để thua trận nào. Đây là mùa bóng mà Hà Nội chỉ về nhì sau Viettel, nên họ đủ "bằng chứng" để khẳng định không hề có chuyện "giúp đỡ" nào ở đây cả, bởi nếu có, Hà Nội đã vô địch rồi.
Ở một góc nhìn khác, sức mạnh của Hà Nội không chỉ thể hiện qua điểm số, mà quan trọng hơn, là ở những trận đối đầu trực tiếp, bởi đây là "bằng chứng không thể chối cãi". Thực tế thì mùa 2019, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là TP HCM đã thua một và hòa một, còn nhà vô địch 2020 là Viettel cũng không thắng nổi Hà Nội trận nào trong ba lần đối đầu trên mọi mặt trận. Riêng HAGL đá bốn trận thua đến hai và hòa hai, chỉ ghi được một bàn vào lưới Hà Nội nhưng thủng lưới đến tám lần. Cựu vô địch Bình Dương cũng có kết quả tương tự, không thắng nổi Hà Nội trận nào ở hai mùa gần nhất.
Nhưng chính các thống kê ấy đã cho thấy một sự thật mà các CĐV của Hà Nội cần phải học cách chấp nhận: Hà Nội đang sa sút một cách thê thảm mùa này và đang đứng bên bờ vực của một sự thay đổi "lành ít, dữ nhiều". Bản thân cái khoảng cách lên đến 15 điểm so với HAGL cũng nói lên nhiều điều dù chưa phải là tất cả.
Nếu lấy các trận đối đầu để phân định năng lực, thì Hà Nội đã thua Bình Dương 1-2, thua Viettel và HAGL cùng tỷ số 0-1, trong khi lại có được bốn điểm trước Quảng Ninh và Hà Tĩnh. Không thể lấy các vấn đề về chấn thương, thiếu hụt lực lượng để bào chữa, bởi nói cho cùng, dù đó là một thực tế cần nhìn nhận thì một đội bóng nếu đã xem là mạnh thì phải biết cách giải quyết các khó khăn nói trên theo cách tốt hơn các đội bóng có lực lượng kém hơn. Không thể nói rằng "nếu tôi có đội hình mạnh nhất thì mọi thứ sẽ khác", bởi với một chữ Nếu, thì ....
Trong khi đó, có nhiều con số đã chứng minh rất rõ tình trạng mất phương hướng nghiêm trọng của Hà Nội. Sáu trận đấu gần nhất, họ chỉ thắng đúng một trận, lại là trận cầu bị nghi ngờ nhất trước Quảng Ninh. Trong chuỗi sáu trận đấu tệ hại này, chỉ hai trận hàng tấn công của Hà Nội thể hiện được sức mạnh của mình, đó là các cuộc đối đầu trước... Quảng Ninh và Hà Tĩnh trên sân Hàng Đẫy, lần lượt là bốn và bảy cú sút đi đúng hướng. Trong khi đó, ở bốn trận đấu còn lại, chỉ có tổng cộng bảy lần các tiền đạo Hà Nội sút bóng đi đúng hướng khung thành, và kết quả là họ chẳng ghi nổi một bàn nào cả.
Sau trận đấu mà cả trận không tung nổi một cú sút đúng hướng nào, để thua Viettel 0-1, HLV Chu Đình Nghiêm phải rời ghế.
Mọi thứ chẳng khá hơn dưới quyền HLV Hoàng Văn Phúc và nhà cầm quân đến từ Hàn Quốc.
Lối chơi kiểm soát bóng, đè chặt đối thủ về một phần ba sân phía bên kia của Hà Nội FC đang trở thành điểm yếu lớn nhất của họ. Đối thủ "cho phép" họ giữ bóng theo ý thích, nhưng đã biết cách phong tỏa điểm đến của những đường chuyền. Tiền vệ Quang Hải vẫn chơi xuất sắc, kỹ năng chuyền bóng tạo cơ hội của ngôi sao này càng lúc càng lúc càng thiện nghệ. Nhưng Quang Hải có tài hoa đến mức nào, những người nhận bóng phải biết cách chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng. Và ở công việc này, cả Geovane lẫn Bruno đều chưa xứng đáng với kỳ vọng.
Đấy cũng chính là một vấn đề khác của Hà Nội. Từ năm 2016 đến nay, các chân sút ngoại của Hà Nội luôn đứng đầu trong danh sách Vua phá lưới. Hệ thống của HLV Chu Đình Nghiêm xây dựng tạo điều kiện cho ngoại binh được chơi bóng thoải mái nhất. Hết Hoàng Vũ Sam Son, đến Oseni, Rimario, Papa Omar đều "auto" tỏa sáng. Thậm chí có những mùa, các cầu thủ đá phòng ngự như Gonzalo hay Kebe đều thuộc nhóm đầu về ghi bàn. Hệ thống thi đấu của Hà Nội "ngon lành" đến mức họ đủ tự tin thực hiện các cuộc chuyển nhượng kiểu "đá một mùa" với Oseni, Rimario, hay đang đá giải vẫn cho Quảng Nam mượn Hoàng Vũ Samson.
Nhưng mọi thứ không còn như xưa nữa. Việc đổi cả hàng công ở mùa này thực sự là tai họa dù Geovane và Bruno đều không tệ hơn mùa trước. Lối chơi mà ông Chu Đình Nghiêm xây dựng đã bị bắt bài, và khi nó không có những con người tốt nhất để thực thi, khi Hà Nội phải dùng đến những "lão tướng" như Tấn Tài, Tấn Trường, Phạm Thành Lương... thì chắc chắn họ không còn là một đội bóng mạnh về năng lực vẫn chất lượng con người.
Thế nên, họ cần phải thực tế. Trước mắt là phải bảo đảm trụ hạng mùa này, và kế đến hãy khởi động cho một hình hài mới thay vì khăng khăn tin rằng bản thân chỉ đang có chút mệt mỏi trên đỉnh cao.
Song Việt