Chiều 22/4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết năm học 2021-2022, bảy trường THCS của Hà Nội dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6 theo đúng đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội", được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2018.
Theo đề án, chương trính thí điểm đào tạo song bằng diễn ra trong 6 năm. Trong đó, năm học 2018-2019 đến 2020-2021, bảy trường được thí điểm sẽ tuyển sinh mới lớp 6, đồng thời dạy tiếp lên lớp cao hơn. Ba năm học cuối, từ 2021-2022 đến 2023-2024, các trường không tuyển lớp 6 nữa, chỉ dạy tiếp những khóa đang học.
Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình song bằng từ năm học này. "Đến năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phối hợp với các Sở, ngành đánh giá toàn bộ đề án, từ đó tham mưu với thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo", ông Tiến nói.
Lý giải vì sao dừng tuyển sinh hệ song bằng, nhưng trong hướng dẫn ngày 13/4 Sở vẫn thông báo tuyển, ông Tiến cho biết: "Hướng dẫn tuyển sinh là kế hoạch chung. Với chương trình song bằng, Sở Giáo dục và Đào tạo phải chờ xin ý kiến, thành phố đồng ý thì Sở mới thông báo dừng theo đúng tinh thần đề án".
Trước phản ứng của một số phụ huynh khi đã cho con ôn tập thời gian dài để thi vào chương trình này, ông Tiến "lấy làm tiếc" và khẳng định các trường khi triển khai đã được nghiên cứu kỹ đề án. "Có thể do thông tin từ Sở rồi Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường không rộng rãi nên phụ huynh không nắm được, cảm thấy đột ngột", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, học sinh mong muốn học chương trình song bằng có thể đăng ký vào trường ngoài công lập hoặc quốc tế. Trong nhóm bảy trường triển khai đề án, THCS Thanh Xuân và Cầu Giấy đã được công nhận đạt tiêu chí chất lượng cao và có thể chủ động xây dựng đề án để thực hiện tiếp chương trình này. Nếu UBND quận, huyện đồng ý cho triển khai, các trường này sẽ được tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng.
Từ năm học 2018-2019, Hà Nội thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại 7 trường THCS gồm: Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mỗi trường tuyển hai lớp với 50 học sinh.
Để trúng tuyển, học sinh phải vượt qua bài thi tiếng Anh và Toán bằng tiếng Anh. Sau khi hoàn thành bậc THCS song bằng, học sinh có bằng tốt nghiệp THCS, đạt trình độ tiếng Anh B1, có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác.
Ở bậc THPT, năm học 2021-2022, Hà Nội vẫn triển khai chương trình song bằng tú tài, học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) tại hai trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam. Mỗi trường tuyển 50 học sinh, chỉ tiêu giữ ổn định qua các năm.
Thí sinh phải vượt qua kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội, sau đó thi Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh và viết luận, nói tiếng Anh. Các em không nhất thiết phải tốt nghiệp từ chương trình song bằng hệ THCS. Điều này cũng gây khó hiểu cho phụ huynh khi chỉ tiêu hệ song bằng ở cấp THCS lên tới 350 mà ở THPT chỉ 100. Nhiều em đã theo học chương trình song bằng bậc THCS có nguyện vọng, nhưng không có cơ hội học tiếp chương trình song bằng ở bậc THPT.
Ông Tiến thông tin để giải quyết vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tính toán việc tăng số lớp song bằng ở trường THPT Chu Văn An và chuyên Hà Nội - Amsterdam, đồng thời mở rộng số trường THPT được đào tạo chương trình song bằng trong năm học tới, đảm bảo tỷ lệ học sinh học song bằng ở bậc THCS đỗ vào các trường THPT công lập đào tạo song bằng đạt 60%, tương tự tỷ lệ học sinh sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập bình thường.