Mấy hôm nay, ngoài việc tiếp tục chi tiền hỗ trợ đợt 3, các cán bộ của phường 14 (quận Gò Vấp) phải đến từng nhà vận động người "nhận nhầm" trả lại tiền. Chủ tịch UBND phường 14 Nguyễn Thế Dũng nói trước hết tổ công tác phải nhận lỗi với người dân vì đã không kiểm tra kỹ, sau đó giải thích lý do chi nhầm. "Có người không đồng ý nhưng hôm sau gọi điện báo sẽ trả lại", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, do tính cấp bách của gói hỗ trợ nên ngay từ đầu thành phố có quan điểm lập danh sách tới đâu xét tới đó, thẩm định được bao nhiêu, chi bấy nhiêu, không để người khó khăn phải chờ. So với hai gói trước, lần này TP HCM ứng dụng công nghệ để rà soát và app SafeID Delivery là công cụ trợ giúp các tổ chi tiền. Tuy nhiên, thời gian đầu việc chi trả không như kỳ vọng.
Để nhận hỗ trợ đợt 3, người dân tự kê khai thông tin, nộp cho tổ trưởng dân khố, trưởng ấp. Từ các thông tin này, hội đồng xét duyệt của xã, phường, thị trấn sẽ thẩm định. Sau đó, danh sách này được gửi cho Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) để lọc các trường hợp không được nhận như đang đóng bảo hiểm xã hội, hưởng trợ cấp, lĩnh lương...
Ông Dũng cho hay, danh sách đưa lên QTSC phải "chính xác từng dấu chấm, phẩy" để phần mềm của đơn vị này lọc và loại trừ đúng người. Song số người có nhu cầu nhận quá nhiều, như phường 14 lên đến 43.600 người, áp lực thời gian, một người đảm nhận nhiều việc nên công tác nhập liệu không tránh khỏi sai sót.
"Đầu vào không đúng chuẩn thì đầu ra sẽ thiếu chính xác", ông Dũng nói. Nhiều trường hợp thuộc nhóm không được nhận hỗ trợ sau khi QTSC lọc ra, trả về bị mất địa chỉ nên phường không thể chuyển về khu phố để đối chiếu mà phải quay lại danh sách tổng, dùng excel kiểm tra rất thủ công. Chưa kể, trong mấy ngày đầu chi tiền, ứng dụng SafeID Delivery không chạy được nên rất khó đối soát, cán bộ phải kiểm tra trên giấy.
Chủ tịch phường 14 ví dụ một người đang hưởng lương, có đóng bảo hiểm xã hội nhưng do sai một con số trong dãy chứng minh nhân dân, phần mềm của QTSC không lọc ra được nên đương nhiên người này sẽ có trong danh sách hỗ trợ. Khi tổ công tác xuống tận nơi thấy đúng người, đúng địa chỉ, chỉ sai một con số, nghĩ rằng do nhập liệu nên điều chỉnh lại cho đúng và vẫn chi tiền. Sau này về cập nhật lên ứng dụng mới phát hiện chi nhầm người.
Quận 11 có gần 6.000 trường hợp bị trùng thông tin, không đáp ứng đúng tiêu chí nhưng vẫn được nhận hỗ trợ. Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch UBND quận nói ở đợt 3, các phường chịu nhiều áp lực từ người dân muốn nhận tiền sớm và phải làm đúng tiêu chí, tiến độ thành phố yêu cầu. Cán bộ cơ sở chỉ có 5 ngày để rà soát, cập nhật danh sách lên ứng dụng nên "sai sót là điều khó tránh khỏi". Việc lọc danh sách bằng công nghệ không được như kỳ vọng do các trường dữ liệu từ cơ sở gửi lên QTSC không trùng khớp.
"Thời gian đầu ứng dụng SafeID Delivery 'chạy không nổi', dữ liệu không đồng bộ, danh sách không tải về được nên các tổ chi tiền không thể dùng để đối chiếu như kế hoạch", bà Trâm nói.
Ngoài ra, từ đầu tháng 9 thành phố có chủ trương giúp đỡ mọi người dân gặp khó khăn do dịch. Nhưng lúc này thành phố chưa có tiêu chí cụ thể người được hỗ trợ. Do đó các địa phương phải lập danh sách hỗ trợ đợt 3 theo biểu mẫu hai gói trước. Đến 16/9, thành phố có hướng dẫn các nhóm cần giúp đỡ, trong đó nhấn mạnh người "có hoàn cảnh thực sự khó khăn" mới được hỗ trợ. Trường hợp đang đóng bảo hiểm xã hội, hưởng lương, trợ cấp... không được nhận.
Lãnh đạo một quận nói rằng "cầm đèn chạy trước ôtô" là tình trạng chung của nhiều quận huyện khi lập danh sách hỗ trợ. Bởi nếu chờ hướng dẫn, khi triển khai địa phương sẽ không đảm bảo tiến độ chi, người dân càng bức xúc. Nếu ban đầu biết có tiêu chí "hoàn cảnh thực sự khó khăn", cán bộ cơ sở sẽ loại các trường hợp "có nhà lầu, xe hơi, còn thu nhập khác" chứ không đưa vào danh sách.
Tại Hóc Môn, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay, địa bàn có hơn 500.000 người có nhu cầu nhận gói hỗ trợ. Thời gian đầu huyện nhận thấy những bất cập của ứng dụng SafeID Delivery nên chủ động làm app riêng để rà soát, theo dõi tiến độ chi. Trong khi khắc phục được những bất cập của công nghệ, huyện gặp tình huống nhiều người dân khai báo không đúng.
Bà Châu ví dụ có người đã lập gia đình và nhận hỗ trợ ở địa chỉ nhà chồng. Sau 30/9, thành phố cho đi lại, người này cùng các con về nhà mẹ đẻ khai báo vào danh sách bổ sung. Có trường hợp dùng cả căn cước công dân và chứng minh nhân dân để đăng ký tại hai địa chỉ, nhận hai nơi. Hiện đã có hơn 700 người "nhận nhầm" chủ động trả lại tiền.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng, với số lượng người quá lớn, bối cảnh dịch cấp bách, thời gian thực hiện ngắn, gói hỗ trợ vốn chưa có tiền lệ nên sai sót, chi nhầm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chính quyền thành phố cần phân biệt việc chi sai hỗ trợ do khách quan, lỗi kỹ thuật hay cố tình trục lợi để có xử lý phù hợp đối với cán bộ phụ trách lẫn người dân.
"Với trường hợp 'nhận nhầm', giải pháp tốt nhất địa phương vận động trả lại bởi họ cũng là người dân thành phố, có đóng góp vào ngân sách suốt thời gian qua nên cần được thông cảm", ông Đồng nói.
Gói hỗ trợ thứ 3 được TP HCM thông qua hồi cuối tháng 9, với kinh phí 7.300 tỷ đồng, giúp đỡ 7,3 triệu người khó khăn do Covid-19, bị mất việc, không còn nguồn thu nhập nào. Khác những đợt trước, lần hỗ trợ này không tính hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận một triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.
Đến chiều 22/10, khoảng 5,3 triệu người đã nhận tiền, chiếm tỷ lệ 78%, vẫn còn 1,5 triệu người chưa nhận được tiền. Việc giải ngân dự kiến đến 7/11. Từ ngày 1/11 đến 15/11, thành phố tổ chức 3 đoàn kiểm tra việc chi hỗ trợ.
Lê Tuyết