Nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn chứng kiến không ít câu chuyện xúc động về tình cảm cha con. Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam lý giải mối liên hệ đặc biệt giữa bố với con gái.
Là một chuyên gia tâm lý, tôi có thói quen quan sát cảm xúc của mọi người xung quanh. Mới đây, tôi có dịp dự lễ cưới của cô cháu gái. Nhìn cô bé khóc trong ngày vui mỗi khi thấy bố tất tưởi chạy ra chạy vào lo liệu hôn lễ cho con gái, tôi thực sự xúc động. Nước mắt không có màu nhưng chứa đầy vị của tâm tư suy nghĩ.
Cô bé kể: "Ngày nhỏ, cháu thích nhất được bố đèo về quê. Chiều lang thang theo bố ra đồng hít hà mùi rơm rạ, cùng thả diều và xoay chong chóng. Lớn lên một chút, cháu thích được bố đưa đi học hơn mẹ. Những ngày mưa rét và nghèo khó, bố thường bảo cháu nép vào trong chiếc áo của mình dù mỏng hay dày… Có lẽ vì thần tượng, nên cháu luôn lần tìm xem chàng trai rung động đầu đời có nét gì giống bố. Liệu có yêu thương cháu không điều kiện và gắn bó suốt đời như bố hay không".
Con gái thường quấn quýt cha, con trai thương mẹ do lực hấp dẫn giới tính. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó giữa cha và con gái không phải theo bản năng, cũng chẳng tự nhiên mà có. Bởi thực tế, trẻ luôn dành tình cảm cho người quan tâm và yêu thương mình. Con gái quấn quýt nếu người cha dành thời gian vui chơi, chăm sóc và thể hiện sự âu yếm. Sự gắn bó ấy không chỉ là thời gian, mà còn là tâm trí, hết lòng yêu thương khi "người thứ ba" chào đời…
Nhiều ông bố tôi biết sẵn sàng bỏ thuốc lá, rượu bia và siêng năng tập thể dục khi chuẩn bị có con, dù trước đó tưởng chừng không thể. Ngày con gái chào đời, họ lúng túng ẵm bồng, ngắm nghía hàng giờ đôi bàn tay bé xíu còn đỏ hỏn, xem có đủ mười ngón lành lặn không mà rơi nước mắt. Họ có thể ngồi "chỉ tay 5 ngón" ở công ty nhưng lúc về nhà vẫn tận tay giặt tã lót cho công chúa nhỏ và quần áo của vợ. Không ít ông bố trẻ từ chối mọi lời mời ăn nhậu của bạn bè, những buổi hẹn hò tenis, chỉ để dành thêm nhiều thời gian hơn cho cô con gái.
Mặc cảm Ơ-đip của Phân tâm học chứng minh, trẻ gái có khuynh hướng gắn bó với bố vì mối quan hệ đặc biệt về giới tính. Cha đẻ Phân tâm học - Sigmund Freud lý giải tình yêu đứa trẻ dành cho đấng sinh thành khác giới cũng đồng nghĩa với sự ghen ghét mà nó dành cho đấng sinh thành đồng giới. Đây chính là mâu thuẫn khiến con gái thích gắn bó với bố hơn. Cách giải quyết mâu thuẫn sẽ là cơ sở hình thành cái "siêu tôi” sau này của cá nhân đó. Điều này có nghĩa rằng, nếu con gái hướng đến bố thì xúc cảm và sự quan tâm của bố sẽ có cơ hội phản hồi.
Quan niệm Á Đông cũng cho thấy, nhiều người đàn ông mong muốn con đầu lòng là gái. Một trong những nguyên do là sự dễ thương và đáng yêu của nữ giới. Rõ ràng, sự lý giải dễ đi vào lòng người nhất thể hiện ở chỗ con gái là hình ảnh thu nhỏ của vợ, là kết tinh bởi chút mềm mại sâu thẳm trong trái tim người cha, là bóng dáng nhân lên bởi tình cảm với người phụ nữ yêu quý nhất - mẹ… Quy tắc chuyển di tình cảm khiến bố mong mỏi và đầu tư cả thời gian, vật chất, tinh thần cho công chúa đáng yêu.
Thêm vào đó, sự tương tác giới tính và tâm lý cho thấy, bố đại diện cho phái mạnh và trụ cột gia đình, nên tạo cho con gái cảm giác chỗ dựa ấm áp, tấm gương lớn noi theo. Với bản chất nữ giới, con gái thường ngưỡng mộ, yêu kính trước hình ảnh người cha mạnh mẽ, chở che nhưng vẫn chiều chuộng mình.
Sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình làm các ông bố hạnh phúc như thế đấy. Tôi đã bắt gặp ánh mắt rạng ngời đó khi xem phim ngắn “Người thứ ba”. Tình yêu thương vô điều kiện giữa cha và con gái là tiếng khánh ngân giữa cuộc sống hiện đại đầy rẫy thách thức. Công trình vĩ đại nhất của người đàn ông chính là sống quan tâm và trách nhiệm với con cái.
Xem video “Người thứ 3”
Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn
Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam