Ngọc chưa tập thiền bao giờ, cô tham gia vì được một người bạn rủ. Ức chế do hai tháng trời luẩn quẩn trong căn hộ tập thể và thường xuyên bất hòa với gia đình, cô gái 30 tuổi làm trong lĩnh vực marketing muốn tìm một chỗ giải tỏa tinh thần. "Lớp này còn miễn phí nên tôi thử luôn", Ngọc, trú tại quận Cầu Giấy, nói.
Cùng lúc, trên tầng ba căn nhà tại quận Đống Đa, Nguyễn Thùy Dung, bạn của Ngô Minh Ngọc, cũng đã chuẩn bị xong xuôi, chờ đến giờ vào lớp. Đây là lớp thiền thứ ba Dung tham gia trong một năm trở lại đây. Nữ nhân viên IT muốn chữa lành tổn thương do mối quan hệ với đồng nghiệp.
20h15, lớp thiền online có khoảng 15 người. Đến 8h30, lúc buổi học chính thức bắt đầu, sĩ số tăng lên gần 200. Tất cả đều tắt camera và micro, hít thở nghe tiếng người dẫn thiền.
Lớp thiền mà Ngọc và Dung tham gia do Minh Đào, nhà văn sinh năm 1993, tổ chức. Minh tập thiền từ năm 2015 và mở lớp thiền "như một món quà dành tặng tất cả mọi người trong bối cảnh Covid-19".
Có nhiều cách định nghĩa thiền. Theo từ điển Cambridge, thiền định là hướng sự chú ý của mình vào một điều duy nhất và được dùng như một hành động tôn giáo hoặc một phương tiện để giúp lấy lại sự bình tĩnh và làm thư giãn cơ thể.
Một định nghĩa khác lại cho rằng, thiền định là bất cứ hành động nào nhằm giữ sự chú ý một cách thoải mái vào giây phút hiện tại. Khi tâm an tịnh và chú ý vào giây phút hiện tại thì ta sẽ không còn có các phản ứng đối với các sự việc quá khứ hoặc tương lai, hai nguyên nhân chính gây căng thẳng thần kinh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Minh, giảng viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, người được đào tạo chuyên sâu về sử dụng chánh niệm và thiền để giải quyết các vấn đề tâm lý, thiền có thể hiểu đơn giản là tập trung vào hiện tại và chấp nhận mọi thứ đang xảy ra, bao gồm suy nghĩ cùng cảm xúc, một cách không phán xét, kể cả những trải nghiệm tiêu cực.
Một số người cho rằng ngồi yên, không suy nghĩ gì là thiền song thực chất, đó chỉ là một dạng bài tập, công cụ để học thiền. Người ta có thể thiền trong lúc làm các việc khác. Ví dụ, khi uống một cốc trà, nếu bạn hoàn toàn chú tâm, dùng cả năm giác quan để cảm nhận thì đó cũng là thiền.
Ở Việt Nam, thiền có giá trị tinh thần, tâm linh và văn hóa nên từ lâu đã được quan tâm. Tuy nhiên, gần đây, thiền trở nên đặc biệt phổ biến với các bạn trẻ. "Trước kia, người ta thường quan tâm đến thiền khi đã 40-45 tuổi. Ngày nay, độ tuổi này trẻ hơn hẳn, chủ yếu từ 30 trở xuống", tiến sĩ Minh cho biết.
Minh Đào ước tính 80% người tham gia lớp thiền của mình trong độ tuổi 18-35. Huynh Nguyễn, chủ một thư viện thiền tập trên đường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), cũng nhận thấy xu hướng trẻ hóa về độ tuổi học viên sau ba năm tổ chức các lớp thiền. "Đối tượng tìm đến thiền khá đa dạng nhưng đông nhất là người từ 22 đến dưới 40 tuổi", Huynh tiết lộ.
Người trẻ Việt hay biết đến các lớp thiền qua Internet và Thùy Dung là một ví dụ. Một lần lướt mạng xã hội, cô gõ cụm từ "thiền", nhờ đó có thông tin về lớp thiền của Minh Đào và Huynh Nguyễn. Một số người như Minh Ngọc thì được bạn bè giới thiệu.
Vì sao giới trẻ tìm đến thiền nhiều hơn trước? Theo tiến sĩ Minh, có hai lý do chính là nhu cầu phát triển bản thân và giải quyết các căng thẳng tâm lý. Cả hai nhu cầu này đều tăng cao ở giới trẻ, song nhu cầu giải quyết các căng thẳng tâm lý phổ biến hơn nhiều. So với các thế hệ trước, giới trẻ ngày nay đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần nên chủ động tìm cách phòng ngừa, giải quyết.
Thực tế, xã hội càng phát triển thì càng nhiều yếu tố căng thẳng, từ đó nảy sinh các vấn đề tâm lý. Huynh Nguyễn cho biết học viên của anh thường gặp các vấn đề như căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ. Đối với lớp thiền của Minh Đào, phần lớn học viên gặp tình trạng "quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực".
"Nội tâm giới trẻ đang bị tàn phá bởi mạng xã hội. Chưa kể, thời gian giãn cách xã hội khiến họ có thời gian nhìn lại bản thân và nhận ra không phải lúc nào vấn đề cũng do thế giới bên ngoài mà đôi khi xuất phát từ chính mình", Minh Đào nhận định.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, thiền tương đối dễ tiếp cận với giá cả phải chăng. Một khóa thiền cơ bản kéo dài năm tuần do Huynh Nguyễn tổ chức dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Mùa dịch, anh duy trì lớp qua Internet, để người tham gia đóng tiền tùy khả năng. Minh Đào thì không thu khoản phí nào.
Nếu kết hợp với kiến thức về tâm bệnh, thiền có thể trở thành một hình thức trị liệu vì nó tác động vào stress, thứ tỷ lệ thuận với các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, các chương trình trị liệu sử dụng thiền phải được thiết kế cẩn thận và logic để người học cảm thấy vừa sức. "Ví dụ, người trầm cảm đã suy nghĩ rất tiêu cực về bản thân, chúng ta không muốn họ cảm thấy thất bại hơn nữa", tiến sĩ Minh nói.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh thiền không phải là liều thuốc tiên cho mọi vấn đề tâm lý. Với người mắc các chứng hoang tưởng hay loạn thần, tâm trí không còn tỉnh táo, thiền thậm chí còn khá nguy hiểm. "Khi thực hành thiền, chúng ta quay vào bên trong, phát triển niềm tin vào trải nghiệm của mình. Nếu trải nghiệm của mình bị sai thì không nên làm việc đó", ông Minh phân tích.
Nhìn chung, thiền giúp giải tỏa stress và hiểu bản thân mình hơn nên có ích cho mọi người, trừ nhóm đối tượng đặc biệt tiến sĩ Minh đã nêu. Các lớp thiền của Minh Đào và Huynh Nguyễn cũng hướng tới mục đích này. Với họ, thiền cho giới trẻ thêm công cụ để sống bình an và "chạm đến cảm xúc".
Sau buổi thiền của Minh Đào, một số người chia sẻ đã bật khóc khi nhớ về những sự kiện gây khó chịu và liên hệ chúng với quá khứ. Ngô Minh Ngọc thì "tỉnh như sáo". "Có lẽ do tôi chưa quen", cô nói. Ngọc sẽ tham dự thêm một buổi thiền nữa, sau đó thì không chắc.
Nguyễn Thùy Dung "mơ hồ nhận ra điều gì đó", nhưng thấy mình bình tĩnh hơn. Cô sẽ tiếp tục đăng ký các lớp thiền, bởi với cô, thiền là cơ hội để sắp xếp những suy nghĩ hỗn loạn và chữa lành tinh thần.
"Thực hành thiền rất khó. Đọc sách, nghe giảng từ người khác chỉ có ý nghĩa dẫn dắt khai phá. Sau cùng, mỗi cá nhân phải lắng nghe bản thân, phát triển niềm tin vào những trải nghiệm của mình rồi từ đó hiểu rõ hơn về bản chất của thiền", tiến sĩ Minh kết luận.
Minh Trang