Tăng liên tục với tốc độ mạnh hơn 2 triệu đồng chỉ sau vài tiếng giao dịch, mỗi lượng vàng miếng SJC chiều nay đã vượt 49 triệu đồng. Đây là mức cao nhất của giá vàng trong nước kể từ tháng 8/2011.
Đến 15h50, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC chính thức chạm 49 triệu đồng mỗi lượng. Còn tại Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, giá bán ra tại Đà Nẵng thậm chí lên 49,7 triệu đồng. Chênh lệch mua bán tại đây giãn rộng đến 1,5 triệu đồng khi mua vào ở 47,7 triệu đồng. Như vậy, mỗi lượng vàng tăng 1,8 triệu đồng so với đầu ngày, tăng 2,7 triệu đồng so với chốt phiên trước đó.
|
Diễn biến này trước hết do ảnh hưởng từ thị trường thế giới khi 15h30 chiều nay, giờ Hà Nội, mỗi ounce vàng đã tăng 42 USD (tương đương 1,2 triệu đồng) lên 1.685 USD.
Trước đó, trong buổi sáng, mỗi lượng vàng SJC cũng đã tăng 800.000-900.000 đồng so với ngày cuối tuần. Như vậy, chỉ sau một tuần, giá vàng đã tăng 4,6 triệu đồng mỗi lượng. Còn nếu so với cuối năm 2019, giá hiện nay đắt hơn 6,2 triệu đồng một lượng.
Giá vàng quốc tế tăng khoảng 1,2 triệu đồng nhưng trong nước đã vọt gần 2,7 triệu đồng. Hiện mỗi lượng vàng thế giới quy đổi tương đương 47,35 triệu đồng, thấp hơn giá bán trong nước gần 1,5 triệu đồng.
Bất thường này, theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam - VGB, một phần do thị trường trong nước "chưa hoàn hảo" khi nguồn cung bị thu hẹp so với trước. Ông nói, kể từ khi có Nghị định 24 về việc "siết" lại hoạt động mua bán vàng miếng, các điểm bán vàng bị hạn chế. "Một khi cầu tăng mà cung hạn chế thì giá sẽ tăng cao bất thường là điều tất yếu", ông Hải nói.
Nhìn lại giá vàng từ đầu năm, ông Trần Thanh Hải phân tích, đà tăng bắt đầu từ 3/1 khi Mỹ giết chết tướng tình báo cấp cao Iran Qasem Soleimani, giá thế giới tăng 4% và giá trong nước vọt từ 42 lên 44 triệu đồng. Đến nay, dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp khiến giá càng tăng mạnh, phá vỡ ngưỡng cản 1.600 USD, lên chạm mức cao 1.685 USD lúc 15h chiều nay.
Dịch xuất phát từ Trung Quốc - quốc gia được coi là thị trường lớn về cung cầu và nay đã đảo lộn trật tự thương mại của thế giới. Hơn nữa, khi nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng, hàng loạt quốc gia đã tung các gói kích cầu hỗ trợ tạo ra lượng tiền mặt lớn. Ông Hải cho đây là mồi lửa để giá vàng tăng cao và diễn biến phức tạp.
Dịch thời gian tới còn diễn biến phức tạp khiến giá vàng khó đoán. Theo ông Trần Thanh Hải, đây có thể là vùng mua cho các nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên thận trọng vì nếu thế giới sớm có vaccine phòng chống dịch, giá sẽ lao dốc bất cứ lúc nào.
Trước việc thị trường vàng vật chất diễn biến phức tạp, giá liên tục leo thang tạo tâm lý hoang mang trong giới đầu tư, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, hoạt động mua bán ngoài thị trường vẫn diễn ra bình thường, không có nhiều đột biến. "Giá vàng chủ yếu biến động tăng theo thế giới", vị này nói. Ngoài ra, các chủ hiệu vàng bán lẻ và doanh nghiệp cũng cho biết sức mua có tăng nhưng không quá đột biến.
Về Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, từ khi thực hiện, thị trường đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. Tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế cũng từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng hạn chế. Nhà điều hành khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và tự tin có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết.
Lệ Chi