Khảo sát tại vườn rau ở các tỉnh miền Tây cho thấy, giá bán ra tại đây khá thấp chỉ 2.000-12.000 đồng một kg. Chị Hoa, chủ vườn rau xanh tại Long An cho biết, từ ngày TP HCM giãn cách đến nay, chị vẫn bán rau xanh ở mức 8.000 đồng một kg, riêng các loại củ có giá 12.000 đồng.
"Ngày nào tôi cũng xuất khoảng 3-4 tạ rau. Mấy ngày gần đây, hợp tác xã có đề nghị tăng lượng hàng, dù chưa tới ngày thu hoạch, tôi cũng cố gắng cắt để cung ứng cho dân TP HCM", chị Hoa nói.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông An Giang cho thấy, giá rau củ tại tỉnh này khá bình ổn, chỉ tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng, trong đó, một vài loại rau tại vựa chỉ 2.000-18.000 đồng một kg (tuỳ loại). Cụ thể, cải thìa 2.000 đồng, cải xanh và cải ngọt 8.000 đồng một kg, hành lá, dưa leo cũng chỉ 8.000 đồng, bí đao 10.000 đồng một kg, ớt 12.000 đồng một kg. Riêng gừng và khoai lần lượt 18.000-20.000 đồng một kg.
Tương tự, rau củ tại các tỉnh khác như Long An, Cần Thơ, Tây Ninh... giá cũng chỉ vài nghìn đồng một kg.
Trong khi đó, những ngày qua, ghi nhận của VnExpress tại một số chợ ở TP HCM, giá rau, củ quả tăng gấp 2-3 lần so với trước, lên 20.000-30.000 đồng mỗi kg. Cụ thể, bí xanh, rau xanh cùng 50.000 một kg, hành lá, ớt 100.000 đồng mỗi kg...
Các hợp tác xã rau cung ứng ở TP HCM cũng cho biết, giá rau củ họ nhập về tăng gấp đôi so với trước giãn cách. Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (Củ Chi) cho hay, giá nhập các loại rau trước đây chỉ 7.000-8.000 đồng một kg, nay tăng lên 20.000-30.000 đồng. Bí xanh trước chỉ 15.000 đồng một kg nay đã 30.000 đồng, cà chua lên mức 40.000-50.000 đồng một kg. Các loại rau gia vị cũng tăng lên gấp đôi.
Theo ông Hải, nguyên nhân là do khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc kiểm tra test Covid-19 tốn nhiều thời gian khiến không ít xe vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn và ùn ứ nên hàng về TP HCM chậm, gây hư hao nhiều.
"Nguồn hàng dồi dào nhưng chi phí vận chuyển, xét nghiệm đội lên nên giá bán rau, củ ra thị trường tăng vọt", ông Hải nói và cho rằng, mặc dù các bộ ngành đã vào cuộc nhưng việc kết nối với các nhà cung cấp tại Đà Lạt, Tây Nguyên, miền Tây, thậm chí các tỉnh lân cận TP HCM như Long An, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hải, nhiều đơn vị cho biết họ vẫn khó trong khâu lưu thông hàng. Do đó, nếu bộ ngành không tháo gỡ khâu lưu thông sớm thì hàng hóa về TP HCM không chỉ chậm mà giá còn đội lên ngày càng cao.
Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai cũng cho hay, giá rau tại cơ sở của ông đang tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân là công nhân sơ chế rau tại công ty nghỉ làm nhiều vì lo sợ dịch bệnh khiến công suất hoạt động của hợp tác xã giảm. Trong khi đó, để thuê nhân công ngoài, công ty phải trả chi phí gấp đôi từ 200.000 đồng lên 400.000 đồng một ngày công.
Ngoài ra, ông cho biết để vận chuyển rau lên TP HCM, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn. "Không chỉ tắc nghẽn trong khâu lưu thông mà tài xế phải test Covid-19 mất 1,5 ngày mới có kết quả, trong khi đó 3 ngày phải test lại. Như vậy, dù có hàng vẫn không có tài xế vận chuyển", giám đốc hợp tác xã trên nói.
Ngoài các lý do trên, nhiều đầu mối rau cho rằng, việc chợ truyền thống đóng cửa, nhu cầu người dân tăng vọt khiến một số tiểu thương "té nước theo mưa" kéo giá lên.
"Giá thời điểm này có cao hơn so với trước giãn cách vì giá nhập tăng, chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, giá bán ra tại Bách Hóa Xanh không cao hơn so với giá thị trường", đại diện Bách Hóa Xanh thông tin.
Cho rằng việc bình ổn giá trong bối cảnh này đang khiến siêu thị phải chịu thiệt hại, nhiều đơn vị trước đó có đề xuất tăng giá bán thực phẩm nhưng vì giãn cách nên họ cũng đã hoãn lại.
Để giúp hàng hóa được lưu thông và cung ứng đầy đủ cho TP HCM cũng như các tỉnh miền Nam, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các địa phương kịp thời xử lý trong lưu chuyển hàng hoá nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ban phòng chống dịch các địa phương cũng được đề nghị ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản và ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng.
Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cũng đã công bố các chương trình ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm hỗ trợ livestream bán hàng, xây dựng thông tin, website, quản trị bán hàng đa kênh... giúp doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Kênh bán hàng này cũng có thể kết nối trực tiếp với các nhà phân phối tại TP HCM, thực hiện phương án giao hàng trực tiếp nhằm đảm bảo nguồn cung và an toàn phòng chống dịch.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP HCM cũng đã thống nhất với Sở Công Thương Tây Ninh mở điểm tập kết giữa ranh giới 2 địa phương và đang chờ văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo, UNND tỉnh để triển khai.
Sau khi được chấp thuận, hàng hóa từ Tây Ninh đến TP HCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống khoảng 1 ha gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng, để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện. Sau đó, sẽ được vận chuyển vào TP HCM.
Tại TP HCM, để hỗ trợ thêm nguồn cung, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng thành lập một điểm tập kết, trung chuyển rau củ, trái cây rộng gần 8.500 m2 phía sau chợ nhằm ngăn chặn đầu cơ, tăng giá rau củ.
Thi Hà