Ở kỳ điều hành ngày 5/9, dầu diesel và dầu hoả tăng lên 25.180-25.440 đồng một lít, trong khi xăng 23.350-24.230 đồng. Như vậy, giá các mặt hàng dầu đã lần đầu vượt xăng. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Trên thế giới, giá các sản phẩm chưng cất như dầu diesel, dầu hoả tăng vọt trên thị trường và vượt qua giá xăng. Reuters dẫn dữ liệu của AAA Gas Prices cho biết, năm ngoái người Mỹ phải trả bình quân 3,8 USD một gallon (khoảng 3,78 lít) xăng; dầu diesel là 3,29 USD một gallon. Hiện giờ giá đã đảo ngược, khi người Mỹ phải trả tới 5 USD cho mỗi gallon dầu diesel, cao hơn 0,5 USD so với xăng (trung bình 4,5 USD một gallon).
Điều này được giới phân tích lý giải một phần do thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Theo họ, giá xăng tăng quá cao trong một năm qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ, châu Âu chuyển từ sử dụng xe cá nhân chạy xăng, sang các phương tiện công cộng để tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Còn dầu là mặt hàng thường dùng trong sản xuất công nghiệp, vận tải, nông nghiệp thực phẩm... nên khó thay thế hay cắt giảm.
Ngoài ra, nhu cầu trữ, tăng mua nhiên liệu (chủ yếu là dầu) cho sưởi ấm mùa đông sắp tới của người dân các nước (châu Âu, Mỹ...) cũng khiến lực cầu về dầu tăng mạnh, đẩy giá mặt hàng này đi lên. Trong khi đó, nguồn hàng dự trữ trong kho và nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu... sụt giảm sau đại dịch. Dữ liệu của Reuters cho biết, công suất của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã giảm khoảng 800.000 thùng một ngày so với trước dịch Covid-19.
Tại châu Á, theo đánh giá của Bloomberg, nhu cầu về dầu diesel cũng đang tăng kỷ lục, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất này ở mức thấp. Việc loạt nhà máy lọc dầu sẽ bảo trì theo kế hoạch trong tháng 9 và 10, có thể sẽ làm tăng mất cân bằng cung - cầu mặt hàng dầu.
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel, dầu hoả trong nước có thể còn tăng cao hơn nhiều mức 1.400 đồng hôm qua nếu không sử dụng các công cụ bình ổn.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành, xăng tăng khoảng 2% mỗi thùng, trong khi dầu diesel, dầu hoả tăng trên 9%, ở mức 140,78 - 143,02 USD một thùng. Với ngưỡng này, theo công thức tính giá cơ sở, mỗi lít dầu diesel tại thời điểm 5/9 cao hơn cách đó 15 ngày (22/8) là 1.729 đồng, còn dầu hoả chênh 1.489 đồng. Tức là, nếu không dùng tới Quỹ bình ổn xăng dầu, mỗi lít dầu diesel và dầu hoả tăng tương ứng 1.729 và 1.489 đồng.
Còn giá cơ sở bán lẻ xăng tại ngày 5/9 thấp hơn 366 - 439 đồng một lít so với ngày 22/8, và được giảm tương ứng.
Giá dầu diesel, dầu hoả tăng cao, trong khi giá cơ sở xăng, dầu mazut giảm nhẹ, nên nhà chức trách quyết định dừng trích lập Quỹ bình ổn với dầu diesel, dầu hoả, cùng đó chi Quỹ 100 - 300 đồng một lít với các mặt hàng này. Việc này nhằm hạn chế mức tăng cao của hai mặt hàng dầu.
Giá đang thấp, việc tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn với xăng 451-493 đồng một lít, theo cơ quan quản lý, nhằm tiếp tục khôi phục để quỹ này có thêm dư địa điều hành khi thị trường còn tiềm ẩn bất ổn tới đây.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẳng định, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Sau kỳ điều hành hôm qua, các đại lý bán lẻ cho biết, nguồn cung hàng đã phục hồi. Chiết khấu được các đầu mối, thương nhân phân phối thông báo tăng trở lại, 300-550 đồng một lít với dầu diesel, còn mặt hàng xăng vẫn 0 đồng.
"Chiết khấu thấp, trừ chi phí vận chuyển, nhân viên... vẫn lỗ, nhưng có hàng để nhập còn hơn vài ngày trước không có", bà Thơm, chủ đại lý bán lẻ xăng dầu tại Kỳ Sơn (Hoà Bình) cho biết.
Thị trường xăng dầu trong nước từ sau kỳ điều hành ngày 22/8 đến nay có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung hàng khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa. Trong bối cảnh đó, 5 doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép một tháng, từ 31/8 vì không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; gian lận kê khai đăng ký hệ thống phân phối và duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu.