Sau khi gây bất ngờ với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 250.000 đồng - cao hơn cả những cổ phiếu "vua" như Vinamilk, Sabeco, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah 1 tiếp tục tăng kịch trần 20% trong ngày chào sàn 26/6.
Đóng cửa phiên 26/6, cổ phiếu này ghi nhận khớp lệnh mua 6.100 đơn vị tại mức giá 300.000 đồng và “trắng bên bán”. Với hơn 27,3 triệu cổ phiếu đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vào khoảng 8.200 tỷ đồng.
Ngay lập tức, Yeah1 vấp phải nghi vấn "thổi giá" và phát hành cổ phiếu pha loãng sau đó. Về điều này, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) - đơn vị tư vấn cho Yeah1 lý giải, ở Việt Nam chưa có đơn vị hoạt động tương đồng niêm yết. Do đó, HSC phải “cân đo đong đếm” bằng ba phương pháp định giá là chiết khấu dòng tiền, P/E và P/B trên cơ sở so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…
Tổng hợp kết quả các phương pháp này với tỷ trọng lần lượt là 60% - 20% - 20%, HSC xác định giá bình quân 250.445 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên, để tăng thanh khoản cổ phiếu và thể hiện quan điểm thận trọng trước những biến động của thị trường chứng khoán nên giá tham chiếu được làm tròn ở mức thấp hơn.
"Trường hợp Yeah1 có thể nâng tỷ trọng định giá bằng chiết khấu dòng tiền lên đến 100%, khi đó giá chào sàn xấp xỉ 299.000 đồng. Tuy nhiên, lịch sử niêm yết chứng khoán trong nước chưa có tiền lệ này nên chúng tôi vẫn xem xét hai phương pháp phổ biến còn lại", chuyên gia này nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Bùi Thị Thùy Dương thuộc Phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng sẽ khập khiễng nếu so sánh khởi điểm cổ phiếu YEG với các doanh nghiệp trên thị trường do đặc thù hoạt động mỗi ngành rất khác nhau. Dù biên độ chênh lệch xét về giá trị tuyệt đối đang khá lớn, phản ánh tương đối đầy đủ tiềm năng tăng trưởng của riêng một doanh nghiệp mới thành lập hơn 10 năm lẫn sự mới mẻ của ngành truyền thông - quảng cáo kỹ thuật số.
Với mức giá cao nhất thị trường, thanh khoản cổ phiếu YEG khó có thể sôi động bởi đây là cuộc chơi lớn, không dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ”, bà Dương nhận định.
Tính đến cuối tháng trước, Yeah 1 có bốn cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 61% vốn cổ phần là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, ông Hồ Ngọc Tấn, quỹ Ancla Asset và DFJ Vinacapital.
Khởi đầu là một trang thông tin điện tử dành cho giới trẻ được thành lập vào năm 2006, sau 10 lần điều chỉnh, vốn điều lệ của doanh nghiệp này cũng tăng từ 500 triệu đồng lên trên 273 tỷ đồng.
Ngành nghề đăng ký kinh doanh là tư vấn quản lý, nhưng hoạt động chính suốt nhiều năm qua là xây dựng hệ sinh thái truyền thông và quảng cáo khép kín trên nhiều nền tảng kỹ thuật số như website, Youtube, Facebook, công cụ quảng cáo Google…
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cách đây không lâu, người đứng đầu Yeah 1 cho biết nếu Facebook và Google rút khỏi Việt Nam do Luật An ninh mạng, doanh thu công ty có thể sụt giảm khoảng 20%.
Trong bản cáo bạch niêm yết, Yeah 1 kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng thần tốc nhờ mức tăng trưởng kép chi tiêu quảng cáo trực tuyến giai đoạn 2015-2021 xấp xỉ 30%, trong đó chiếm ưu thế là quảng cáo trên công cụ tìm kiếm và banner.
Không lâu sau khi niêm yết, công ty dự kiến chào bán 7,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược và dự kiến thu về hơn 100 triệu USD, tương ứng khoảng 300.000 đồng mỗi cổ phiếu. Đại diện công ty cho biết, có 25 nhà đầu tư tổ chức đăng ký tham gia đợt chào bán này. Phần lớn doanh nghiệp trong số này đến từ những quốc gia có tốc độ tăng trưởng quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số khoảng 50% mỗi năm như Hàn Quốc, Thái Lan…
Trước đó, công ty đã thông qua phương án điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sau khi niêm yết từ 49% lên 100%, nhằm mục đích tăng thanh khoản và thu hút vốn ngoại. Số tiền thu được từ đợt chào bán này dự kiến được dùng cho hoạt động M&A trong nước và khu vực Đông Nam Á, đồng thời, tăng cường nội dung chất lượng ở bốn mảng mang lại lợi nhuận cao là trẻ em, âm nhạc, làm đẹp và trò chơi điện tử.
Phương Đông