Bai là một bác sĩ mở phòng khám riêng tại vùng nông thôn ở tây bắc Trung Quốc. Không quá giàu có nhưng ông được xếp vào tầng lớp trung lưu, kinh tế vững và có danh tiếng. Đây được coi là một trong những yếu tố nâng cao giá trị của con trai ông Bai khi bước vào hôn nhân.
Nhưng chuyện tổ chức đám cưới cho con trai không hề suôn sẻ. Kế hoạch đón con dâu mới vào năm 2016 của gia đình gặp trở ngại khi nhà gái đòi 180.000 tệ (619 triệu đồng) tiền sính lễ.
"Tôi đủ khả năng chi trả số tiền đó nhưng nếu đồng ý với mức thách cưới này dân làng sẽ cười nhạo tôi", ông giải thích.
Việc đưa ra số tiền thách cưới tương đương với khả năng tài chính của nhà trai tưởng chừng không đáng tranh cãi, nhưng nơi bác sĩ Bai sinh sống, đó là hành vi thiếu tôn trọng. Ông và con trai đều cho rằng, với địa vị danh giá như gia đình họ, nhà gái phải đưa ra con số thấp hơn.
Trao sính lễ và của hồi môn có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Hành động này thể hiện thiện chí giữa hai bên gia đình, nhưng nay dần thay đổi khi đặt nặng vấn đề tài chính. Giá cô dâu được đẩy cao như cách cân bằng bất bình đẳng giới, bù đắp cho gia đình có con gái phải lấy chồng có địa vị thấp kém hơn. Chúng cũng ngầm ám chỉ giá trị của cô dâu trong cuộc hôn nhân.
Từ năm 2018 đến năm 2020, hai nhà xã hội học Jia Yujing và Wang Sining đã nghiên cứu về tập tục hôn nhân tại vùng nông thôn phía tây bắc Trung Quốc. Sau nghiên cứu, chuyên gia nhận thấy việc đưa giá thách cưới phụ thuộc vào đạo đức và kinh tế của gia đình chú rể.
Theo đó, nếu gia đình chồng tương lai có điều kiện kinh tế thấp hơn vợ buộc phải trả sính lễ cao. Còn nếu họ giàu có và địa vị cao, giá thách cưới càng ít.
Một người mai mối có kinh nghiệm giải thích việc thách cưới ngày nay mang ẩn ý "ngay khi người đàn ông không còn yêu vợ, anh ta cũng phải biết quý trọng số tiền đã bỏ ra và đối xử tốt với cô ấy". Còn nếu hạ thấp giá thách cưới, cô dâu rất dễ bị đối xử tệ bạc, bố mẹ chồng coi khinh.
Nhà xã hội học Viviana Zelizer cho rằng tiền trong trường hợp này không đơn thuần là phương tiện trao đổi mà còn mang giá trị về đạo đức, xã hội và tôn giáo. Nói cách khác, định giá cô dâu như hành động mang tính nghi thức, biểu tượng, cụ thể hóa địa vị và phẩm giá của mỗi người. Bởi vậy, giá trị của sính lễ sẽ quyết định địa vị xã hội của một người, thái độ và tình cảm của hai bên thông gia.
Lấy trường hợp của ông Bai. Nhà gái cho biết sẵn sàng hạ mức thách cưới, nhưng không dưới giá sàn vì cũng có địa vị xã hội. Tiền sính lễ sẽ được hai bên bàn tính kỹ lưỡng để cô dâu không "mất giá".
Nhưng không phải mọi cuộc đàm phán đều suôn sẻ. Để tổ chức đám cưới cho con gái, vợ chồng ông Yan đã yêu cầu chuẩn bị sính lễ là 200.000 nhân dân tệ. Điều này khiến gia đình chàng trai không hài lòng, liên tục đòi hạ giá vì cho rằng có địa vị cao hơn đối phương. Sau hai tuần cãi vã, hai bên đã thống nhất "đều có địa vị xã hội ngang nhau", mức sính lễ cũng giảm còn 188.000 nhân dân tệ.
Cui Shuyi, Giám đốc nghiên cứu dân số của Học viện Khoa học Xã hội Sơn Đông, cho rằng cần hạn chế những phong tục như trên.
"Khi giá cô dâu trở thành cách kiếm tiền, hôn nhân như cuộc giao dịch sẽ khiến người nghèo không đủ tiền cưới vợ, trong khi gia đình khá giả lại ra sức vật nàn để giảm tiền sính lễ", ông Cui Shuyi nói.
Phương Minh (Theo SixthTone, CGTN)