Bà Dung (52 tuổi) và Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, cựu kế toán Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) bị TAND huyện tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong phiên sơ thẩm mở cuối tháng 4.
Theo cáo trạng, từ năm 2012-2017, bà Dung là giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt hơn 48 triệu đồng.
Cụ thể, năm học 2011-2012, bà có 21 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ, mỗi tiết tương ứng 157.000 đồng. Tổng cộng, hơn 3,3 triệu đồng đã được chuyển khoản cho bà. Năm học 2013-2014, bà có 4 tiết dạy được thanh toán tiền thừa, trong đó một tiết tương ứng hơn 75.000 đồng. Bà nhận hơn 300.000 đồng.
Năm học 2014-2015, bà có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng. Số tiền tương ứng này trong năm học 2015-2016 hơn 13 triệu đồng.
Tại phiên sơ thẩm, VKS huyện Hưng Nguyên rút số tiền cáo buộc bà Dung chiếm đoạt xuống còn gần 45 triệu đồng. Theo Viện, khi bà Dung lập bảng kê chứng từ thanh toán các khoản làm thêm giờ với nội dung "bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn" và kiểm tra từ 2012 đến 2017, kế toán Hương biết các khoản thanh toán này là sai vì bà Dung đã được thanh toán nhưng vẫn đồng ý làm thủ tục. Dung bị xác định là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính, Hương là đồng phạm với vai trò giúp sức.
VKS cho rằng bà Dung phạm tội hai lần trở lên nên truy tố theo điểm b, khoản 2 của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khung hình phạt 5-10 năm tù. TAND huyện Hưng Nguyên sau đó đã phạt bà Dung 5 năm tù; Hương 2 năm tù cho hưởng án treo.
Trước phán quyết này, bà Dung kháng cáo kêu oan, gia đình bà cũng gửi đơn kêu oan tới một số cơ quan. Dư luận cho rằng mức án 5 năm tù đối với bà Dung về hành vi chiếm đoạt 45 triệu đồng là quá nặng.
Ngày 5/5, ông Lâm Quốc Tú, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, cho biết theo quy định khi xử phúc thẩm nếu TAND tỉnh Nghệ An xét thấy bà Dung không oan thì HĐXX sẽ y án; còn xác định việc điều tra chưa đầy đủ thì hủy án để điều tra lại.
Về bản án sơ thẩm, ông Tú cho rằng mức án 5 năm tù đối với bà Dung là đúng quy định của pháp luật - mức thấp nhất của khung hình phạt; "không thể thấp hơn" (dưới khung hình phạt) vì bị cáo không nhận tội, không nộp số tiền khắc phục. Bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là có thành tích trong công tác, trong khi Điều 51 Bộ luật Hình sự quy định "phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ mới có thể xét tuyên dưới khung hình phạt".
"Nếu tại phiên sơ thẩm bị cáo nhận tội, hoặc nộp số tiền gần 45 triệu đồng, HĐXX sẽ xem xét để tuyên mức án dưới 5 năm", ông Tú nói. "Việc nộp lại số tiền chiếm đoạt không có nghĩa bị cáo nhận tội. Giả sử sau khi nộp tiền khắc phục, nếu phiên phúc thẩm xác định bị cáo bị oan thì khoản tiền này tòa sẽ hoàn trả", ông Tú giải thích, thêm rằng "có niềm tin kết quả phiên xử là đúng".
"Thực ra chúng tôi cũng trăn trở, áy náy khi ra bản án 5 năm, song mấu chốt là không có thêm tình tiết giảm nhẹ. Phiên xử diễn ra trong 4 ngày, làm rất kỹ", ông Tú nói và cho hay có áp lực về tâm lý, "nếu người dân nói rằng bản án nặng thì cũng có phần đúng, nhưng không có cách nào khác".
Theo Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, 5 năm qua, bà Dung nhiều lần giữ vai trò hội thẩm nhân dân - thành viên HĐXX, trong một số phiên toà có bị cáo ở tuổi vị thành niên. "Tình cảm giữa bà Dung với cán bộ tòa thân thiết nên không thể nói HĐXX trù dập bị cáo như một số thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội", ông Tú nêu quan điểm.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ.
Ngày 1/1/2012, bà Dung được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm. Bà bị bắt ngày 28/3/2022.