Từ đêm qua đến sáng nay, chín ngôi nhà ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đổ xuống sông Đà. 26 nhà khác cũng có nguy cơ trôi sông. Đây là đợt sạt lở quy mô nhất từ trước đến nay ở ven sông Đà, đoạn qua thành phố.
Lý giải nguyên nhân, TS Nguyễn Quốc Thành (Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng chính việc nằm ở bờ lõm đoạn sông uốn khúc, nơi dòng nước mạnh nhất xoáy vào, nên phường Đồng Tiến bị xói lở. Bờ sông lại được tạo thành bởi cát và sét pha, khi ngấm nước sẽ mềm và trượt lở.
Một chuyên gia khác nói kết cấu nền đất ven sông Đà từ Hòa Bình xuống Việt Trì hầu hết do cát, phù sa bồi, độ ổn định không cao, từ trước đến nay nhiều đoạn bị xói lở. Giải pháp làm kè cứng khó khả thi vì cần dựa trên nền địa chất vững chắc.
Thủy điện xả lũ
Ngoài nguyên nhân địa thế sông, theo tiến sĩ Thành, vùng hạ du bao giờ cũng xảy ra xói lở vì thường xuất hiện hiện tượng thiếu hụt phù sa. Khi thủy điện mở cửa xả, nước lên cao, khi đóng nước tụt xuống nhanh. Lúc này tồn tại dòng nước chảy từ trong lòng bờ đẩy ra kéo theo đất đá.
Khẳng định thủy điện không phải nguyên nhân trực tiếp, nhưng chuyên gia thủy lợi Tô Văn Trường cho rằng đây là yếu tố gián tiếp. Thủy điện Hòa Bình liên tục xả đáy từ hai đến bốn cửa trong thời gian khá dài. Phường Đồng Tiến lại nằm đúng khúc sông cong thuộc bên xói, chỉ cách hạ lưu hồ Hòa Bình khoảng 4-5 km nên chịu ảnh hưởng tác động của dòng chảy do xả lũ.
Thời điểm sạt lở là khi hồ Hòa Bình đóng cửa xả, tức nước sông đang lên cao khi không xả nữa sẽ tụt nhanh, kéo theo sạt trượt bờ sông. "Nếu hạ lưu ở xa hồ thủy điện, việc đóng cửa xả sẽ khiến nước sông hạ từ từ. Khu nhà sập rất gần hạ lưu đập, vì vậy tác động của việc rút nước nhanh là có", ông Trường nói.
Cho rằng thủy điện có tác động đến bờ sông, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Quang cho hay, nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ từ ngày 8/7. Thời điểm xả lớn nhất là bốn cửa, kết hợp phát điện tối đa tám tổ máy. Đến 10h ngày 30/7, thủy điện đóng toàn bộ cửa xả, mực nước hạ lưu xuống từ 16,8 m lúc 13h ngày 29/7 xuống mức 13,6 m lúc 7h ngày 31/7.
Mưa lớn kéo dài
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định, thủy điện Hòa Bình xả nước không phải là "thủ phạm" khiến hàng chục ngôi nhà sạt lở. "Thủy điện không xả ào ào mà đóng hoặc mở từ từ, vì vậy lưu lượng nước xuống hạ du tăng và rút đột ngột là không có", ông giải thích.
Ông Sơn cho rằng sự cố có thể liên quan đến lượng mưa lớn, lại kéo dài gần một tháng nay ở Hòa Bình, do dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, khiến đất đá ở khu vực bờ sông suối bị xói mòn, bở rời.
Làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình chiều 31/7, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nói mưa lớn khiến địa chất nhiều khu vực ở Hòa Bình đã bão hòa nước, nguy cơ sạt lở rất cao.
Hòa Bình đã trải qua hai đợt mưa lớn, đợt một trung tuần tháng 6 với lượng mưa một số điểm 500-600 mm. Đợt hai mưa do ảnh hưởng của bão Sơn Tinh và hoàn lưu sau bão, tổng lượng cả đợt tới trên 1.000 mm.
Được cảnh báo trước, địa phương chưa quyết liệt di dời
Theo Chủ tịch tỉnh Hòa Bình, khu vực sạt lở có dấu hiệu sụt lún từ trước, thành phố đã lên kế hoạch di dời, tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, cộng với một số hộ dân muốn bám trụ nên chưa thực hiện được.
Chính quyền phường Đồng Tiến thông tin thêm, ba trong số chín ngôi nhà ở phường Đồng Tiến mới bị sạt xuống sông từng nằm trong quyết định di dời từ năm 2017. Thành phố thậm chí còn cắt điện, nước để họ sơ tán.
Những ngôi nhà thuộc tổ dân phố 25-26 dài 20-30 m, nằm chênh vênh trên bờ sông. Việc xây nhà sát sông, theo các chuyên gia, cũng góp phần làm mất ổn định bờ sông, dẫn đến dễ bị sạt, thay đổi chế độ thủy lực, giảm lượng bùn cát.
Trước đó từ tối 30/7 đến sáng nay, 9 ngôi nhà ở tổ 26 phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) sụp xuống sông Đà. 10 nhà khác bị sập một nửa; 9 nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tổng cộng 35 nhà phải di dời.
Tới thăm người dân khu vực sạt lở chiều 31/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ mất mát và mong người dân sớm ổn định cuộc sống. Ông yêu cầu tỉnh đảm bảo đời sống cho người dân khi sơ tán, tìm quỹ đất hoặc đầu tư hạ tầng, bố trí lại dân cư đặc biệt là các hộ mất nhà cửa.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp và đề xuất với tỉnh phương án di dân.