Theo Gartner, đến năm 2024, phát triển ứng dụng low-code (những ứng dụng không dùng quá nhiều dòng code để lập trình) sẽ chiếm hơn 65% tổng số hoạt động phát triển ứng dụng. Xây dựng hệ thống ERP - công cụ hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, được dự báo cũng nằm trong xu thế này. Các doanh nghiệp đang dần chuyển sang các giải pháp low-code để tăng mức độ cạnh tranh vì theo các chuyên gia, nếu phụ thuộc vào các giải pháp phần mềm được tạo bằng ngôn ngữ lập trình và mã hóa thủ công, doanh nghiệp có thể đi thụt lùi.
Sự khác biệt chính giữa các giải pháp truyền thống và low-code là cho phép các tổ chức xây dựng ứng dụng tùy chỉnh sử dụng mã lập trình ở mức tối thiểu, trao quyền cho người dùng trở thành "nhà phát triển phần mềm". Những người này có thể tạo và tùy chỉnh các ứng dụng có độ chính xác cao.
Giải pháp ERP xây dựng trên nền tảng low-code sẽ có tính linh hoạt. Khi nhu cầu thay đổi và quy mô kinh doanh mở rộng, doanh nghiệp có thể xây dựng lại và tùy chỉnh ứng dụng trên ứng dụng có sẵn. Việc xây dựng trên nền tảng low-code còn có khả năng giảm thời gian phát triển ứng dụng lên tới 90% so với lập trình truyền thống.

Ông Alexander Evchenko - CEO 1C Việt Nam. Ảnh: 1C Việt Nam
Khi được xây dựng hoàn thiện, ERP sẽ cho phép thay thế các công cụ, ứng dụng cũ như quản lý hàng tồn kho, bán hàng, quản lý dự án, nhân sự, sản xuất, công nghệ thông tin, bằng một hệ thống thống nhất, cho phép trao đổi luồng dữ liệu giữa các quy trình riêng biệt và cung cấp các bản cập nhật theo thời gian thực. Hệ thống này giúp tăng hiệu quả doanh nghiệp do quản lý tài nguyên được cải thiện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Dữ liệu - tài sản quan trọng hàng đầu của một đơn vị, không cần chuyển thủ công từ ứng dụng này sang ứng dụng khác nhờ tích hợp hệ thống đồng nhất trên một cơ sở dữ liệu. Ban lãnh đạo có quyền truy cập để theo dõi quá trình kinh doanh, lập báo cáo và đề ra chỉ đạo kịp thời dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Ông Alexander Evchenko – CEO 1C Việt Nam, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ chuyển đổi số cho rằng low-code là xu hướng tiếp cận với chuyển đổi số thịnh hành trên thế giới và sẽ sớm phổ biến ở Việt Nam. Xu hướng này được chính đơn vị áp dụng trong việc xây dựng giải pháp cung cấp ra thị trường. "Chúng tôi đang đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ với giải pháp ERP xây dựng trên nền tảng low-code để mang đến lựa chọn chuyển đổi số toàn diện giúp doanh nghiệp dễ ứng biến và linh hoạt hơn", ông Evchenko chia sẻ.

Lễ ký kết dự án ERP giữa Tonmat và 1C Việt Nam. Ảnh: 1C Việt Nam
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm cách xây dựng ERP low-code. Có thể kể đến Tập đoàn Tonmat - đơn vị chuyên cung ứng tấm lớp cách nhiệt và panel bảo ôn lựa chọn 1C Việt Nam làm nhà cung cấp giaỉ pháp ERP. Ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Điều hành Tonmat Group đánh giá 1C Việt Nam là nhà cung cấp có hệ sinh thái chuyển đổi số tương đối toàn diện. Chiến lược xây dựng giải pháp ERP trên nền tảng low-code được kỳ vọng giúp công ty phát triển bền vững và mở rộng quy mô với khả năng tùy chỉnh linh hoạt, tích hợp dễ dàng, trao đổi dữ liệu nhanh không chỉ trong hệ sinh thái nội bộ mà còn đồng bộ với các giải pháp của nhiều nhà cung cấp khác.
Thị trường phần mềm ERP trên toàn thế giới được định giá hơn 35 tỷ USD mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10%, theo Gartner. ERP hiện nay được đánh giá không còn dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, quốc tế. Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể sử dụng giải pháp này để quản lý các quy trình cốt lõi. Tùy quy mô, tùy lĩnh vực, các đơn vị sẽ có những lựa chọn khác nhau trong cách xây dựng công cụ. Low-code được kỳ vọng sẽ trở thành lựa chọn mới cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

Ông Evchenko (1C Việt Nam) và ông Trần Văn Sơn (Tonmat). Ảnh: 1C Việt Nam
Về phía 1C Việt Nam, ông Alexander Evchenko cho biết các công ty công nghệ trong nước thường không áp dụng công nghệ low-code cho các doanh nghiệp nhỏ mà chỉ áp dụng cho các tập đoàn lớn. Từ bối cảnh này, 1C Việt Nam mong muốn mang những công nghệ tiên tiến, như công nghệ low-code đến thị trường để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến về công nghệ, tăng hiệu quả kinh doanh.
Hoài Phương