Trong số gần 150 giải được công bố tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA), hạng mục hàng đầu châu Á 2024, Việt Nam đạt hơn 50 giải, chiếm hơn 30%. Số lượng giải thưởng Thái Lan đạt được là 5, Singapore và Malaysia 7; bằng 1/7-1/10 số giải thưởng của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam cũng đạt số lượng giải tương tự.
Chủ tịch WTA Graham Cooke nhận định Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu châu Á. Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định WTA là giải thưởng uy tín của ngành du lịch toàn cầu. Các giải thưởng cho thấy sự yêu mến của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, theo Cục Du lịch Quốc gia.
Ngoài giải thưởng WTA, Việt Nam cũng được nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch nổi tiếng như CNN, Travel&Leisure, The Travel, Wanderlust, Tripadvisor nhiều lần vinh danh về ẩm thực, điểm đến, cảnh quan.
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế. Cùng giai đoạn, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đạt gần 22 triệu lượt, Singapore hơn 11,3 triệu lượt. Malaysia đón gần 12 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế; tăng gấp 3,4 lần so với năm 2022 và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Quán quân năm ngoái là Malaysia với 29 triệu lượt. Thái Lan đứng thứ hai với hơn 28 triệu lượt, tiếp đến là Singapore với 13,6 triệu lượt.
Chủ tịch Lửa Việt Tour Nguyễn Văn Mỹ nhận định các giải thưởng cũng "giống như các cuộc thi hoa hậu". Người được chọn làm hoa hậu là người đẹp nhất cuộc thi đó trong mắt ban giám khảo và độc giả bình chọn, chưa chắc là người đẹp nhất khu vực.
Tương tự, các giải thưởng Việt Nam được trao cũng vậy, WTA trao giải thưởng theo các tiêu chí của họ, không đại diện cho cả thế giới. Mọi giải thưởng chỉ mang tính tương đối, ngay cả các giải thưởng danh giá nhất. Do đó, Việt Nam nhận nhiều giải thưởng du lịch không nhất định phải tỷ lệ thuận với lượng khách quốc tế đến.
Theo Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), 10 quốc gia đón nhiều khách nhất 2023 lần lượt là Pháp (100 triệu lượt khách), Tây Ban Nha (85,2 triệu lượt), Mỹ (66,5 triệu), Italy (57,2 triệu), Thổ Nhĩ Kỳ (55,2 triệu), Mexico (42,2 triệu), Anh (37,2 triệu), Đức (34,8 triệu), Hy Lạp (32,7 triệu) và Áo (30,9 triệu).
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết có nhiều lý do giúp một điểm đến thu hút đông khách du lịch, giải thưởng chỉ là một phần.
Việt Nam càng nhận nhiều giải thưởng thì ngành du lịch càng nhiều áp lực. "Nó giống như tính hai mặt của tấm huy chương", ông Đạt nói. Ngoài việc các giải thưởng mang lại danh tiếng cho Việt Nam trên bản đồ thế giới thì nó cũng đem về những thách thức.
Khi khách quốc tế muốn đến Việt Nam, họ sẽ tìm kiếm thông tin trên mạng. Thông tin ban đầu hiện ra là địa danh của Việt Nam gắn liền với giải thưởng, những cái nhất hay các khách sạn được vinh danh. Nhưng khi khách nghiên cứu sâu hơn về các điểm đến để tìm kiếm trải nghiệm, những gì họ tìm thấy có thể là mặt tối như ô nhiễm môi trường, chèo kéo khách du lịch, chặt chém, giải trí đêm nghèo nàn. Khi đó, các giải thưởng Việt Nam đạt được lại trở thành điểm yếu vì danh tiếng khác xa hiện thực.
Cũng theo đánh giá của ông Đạt, các giải thưởng du lịch không ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng với khách quốc tế bằng các trang web danh tiếng như Tripadvisor hay Lonely Planet. Những nguồn tin này cung cấp thông tin dựa trên dữ liệu big data và bình luận thực tế của hàng trăm triệu du khách trên thế giới.
"Chúng ta không nên quá hy vọng rằng mình đạt nhiều giải thưởng thì sẽ có nhiều khách đến", ông Đạt chia sẻ. Ông cho rằng không nên "há miệng chờ sung" mà cần có các kế hoạch, chiến lược quảng bá cụ thể để tận dụng các giải thưởng này để truyền thông cho du khách toàn thế giới.
Giải thích lý do các điểm đến láng giềng như Thái Lan, Singapore ít giải thưởng tại WTA, ông Đạt cho rằng có thể các điểm đến đã nổi tiếng sẵn với khách du lịch nên họ "không tham gia".
"Không bàn đến giải thưởng nữa, điều chúng ta cần bàn là nên làm gì tiếp theo sau khi nhận giải", ông Nguyễn Văn Mỹ nói, nhấn mạnh nên "bớt hô hào, bớt tham gia giải thưởng lại" vì khách đến Việt Nam không phải vì giải thưởng. Họ đến Việt Nam phần lớn vì bạn bè đi về giới thiệu lại hoặc trên các phương tiện truyền thông.
Trước hết, muốn khách đến Việt Nam đông, đặc biệt là khách kỹ tính như Nhật Bản, châu Âu, cần phải dọn dẹp rác thải, giải quyết ô nhiễm tiếng ồn, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. "Không ai muốn đến nơi dễ bị ngộ độc thực phẩm, rác đầy đường", ông Mỹ nói.
Việt Nam chưa cần bàn đến các vấn đề vĩ mô để hút khách mà cần thay đổi từ những cái đơn giản nhất. Du lịch Việt muốn cất cánh cần làm cuộc cách mạng từ nhà vệ sinh công cộng và rác thải. Hiện tại, theo đánh giá của Chủ tịch Lửa Việt Tour, nhà vệ sinh công cộng đã "khá hơn cách đây 10 năm rất nhiều", nhưng rác thì vẫn chưa được nhiều người bỏ đúng nơi quy định.
Ông Mỹ cho rằng Việt Nam nên có hình thức phạt với những người ném rác bừa bãi, giống Singapore đang làm vì mọi thói quen văn hóa không tự nhiên mà có. Luật pháp nghiêm minh hình thành nên thói quen.
Tiếp đến, Việt Nam cần định vị là điểm đến an toàn, thân thiện. Vấn đề thân thiện cần cải thiện ở khu vực cửa khẩu biên giới - nơi đầu tiên khách sẽ tiếp xúc với người Việt. "Hải quan, an ninh sân bay, công an cửa khẩu cần tươi cười niềm nở chào đón khách", ông Mỹ nói. Người dân địa phương cũng nên bày tỏ thái độ thân thiện với khách, có thể chỉ cần vẫy tay chào hoặc mỉm cười, giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt khách quốc tế.
Cũng theo các chuyên gia du lịch, doanh thu đầu khách mới là thứ quan trọng nhất, không phải số lượng. Do vậy, Việt Nam nên đặt mục tiêu đón khách chi tiêu nhiều, khách đi du lịch bền vững thay vì du lịch đại chúng.
CEO Nguyễn Tiến Đạt ví các giải thưởng giống như "nước sơn", nếu gỗ không tốt thì nước sơn đẹp đến mấy cũng vô dụng. Ngoài "cái tiếng" được vinh danh trên trường quốc tế, ngành du lịch và cả người dân Việt Nam cần tạo ra các trải nghiệm tốt đẹp cho du khách. Như vậy, Việt Nam không chỉ có danh mà còn có cả thực lực.
"Du lịch Việt cần tránh tình trạng tốt nước sơn hơn tốt gỗ", ông Đạt nói.
Phương Anh