Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới. 10 tháng đầu năm, 14,5 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2018. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với tỷ lệ bình quân 5-6% của thế giới.
Ngoài Hà Nội và TP HCM, những điểm đến phổ biến của khách quốc tế là Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Phú Quốc, Bình Thuận. Đây đều là các địa phương nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên và nhiều hoạt động vui chơi giải trí - sản phẩm du lịch chính của Việt Nam.
Một số tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh vào du lịch với sản phẩm cao cấp qua các tổ hợp tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí... góp phần tăng trưởng cả khách du lịch nội địa và quốc tế. Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện trong các bảng xếp hạng quốc tế, từ điểm đến, ẩm thực tới văn hoá, dịch vụ.
Tuy nhiên, trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2019, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch thừa nhận, song song với sự tăng trưởng nóng, ngành du lịch còn nhiều hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm đơn điệu.
Một trong những vấn đề lớn mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt là ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị xâm hại. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đứng thứ 35/140, giảm một bậc so với 2017. Trong một thời gian dài khách quốc tế thích thú với vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của các danh thắng, nhưng ngày nay nhiều nơi bị ô nhiễm, giao thông ách tắc do lượng khách lớn và hạ tầng xuống cấp.
Tại vịnh Hạ Long, số rác thu gom hàng năm trên vịnh là hơn 1.000 tấn, hầu hết là đồ nhựa như vỏ chai lọ, túi nilon, phao xốp. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, ở mức 0,28 – 0,73 triệu tấn. Cũng theo số liệu của WEF, tính bền vững của môi trường tại Việt Nam trong năm 2017, 2019 lần lượt chỉ đứng thứ 129/137 và 121/140.
Vấn đề tiếp theo là các sản phẩm du lịch tự phát. Dù không được đầu tư, quảng bá bài bản, các điểm du lịch tự phát vẫn có đông khách cả trong và ngoài nước ghé đến vì tò mò và cái độc đáo riêng. Một trong số đó là cà phê đường tàu ở phố Phùng Hưng, Hà Nội. Địa điểm này từ lâu đã thu hút du khách tới tham quan tuyến đường sắt thế hệ cũ còn vận hành tại Việt Nam và càng nổi tiếng hơn sau khi nhà chức trách đóng cửa khu vực.
Tại TP HCM, phố đi bộ Bùi Viện vốn hình thành tự phát hàng chục năm dẫn đến quá tải, khiến chính quyền phải can thiệp năm 2017 để chỉnh trang thành phố đi bộ các tối cuối tuần. Tuy nhiên, du khách vẫn đánh giá Bùi Viện khác xa những phố Tây như Khao San (Thái Lan), Siem Reap (Campuchia) hay Luang Prabang (Lào). Đây là những nơi thu hút khách nước ngoài như một điểm đến văn hoá thay vì các cuộc nhậu. Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch loay hoay để thực hiện hoặc cầm cự từng ngày như Góc Sài Gòn, khu nhạc nước quận 7.
Làm du lịch theo kiểu tự phát, bắt chước và ít cần đầu tư nhưng muốn lấy vốn nhanh sẽ tạo nên sự thiếu bền vững cho các điểm đến, sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, cho rằng cần chủ động, sáng tạo những sản phẩm thu hút khách lâu dài và ổn định thay vì chạy theo trào lưu, xu hướng qua các điểm check-in trên mạng xã hội.
Một dòng sản phẩm khác thu hút nhiều khách nội địa những năm gần đây là du lịch tâm linh. Với du khách phương Tây, những điểm đến này không có gì hấp dẫn ngoài sự đồ sộ của kiến trúc. Nhiều nơi, hoạt động du lịch tâm linh nở rộ dù địa danh đó không liên quan mật thiết tới lịch sử phát triển tôn giáo, tín ngưỡng trong quá khứ. Cụ thể là vụ xây phiên bản thứ hai của tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam (Châu Đốc, An Giang), "khu du lịch sinh thái tâm linh" ở Lũng Cú (Hà Giang), Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc (Nha Trang)...
Vấn đề mới được đưa ra bàn thảo gần đây là phát triển kinh tế đêm. Hiện nay, ở Việt Nam mới dừng lại ở mô hình chợ đêm, phố đi bộ. Nhiều chuyên gia đã góp ý rằng sản phẩm du lịch ban đêm của Việt Nam đang thiếu hụt và bỏ lỡ hàng tỷ đô la Mỹ vì chưa biết khai thác đúng tầm như các nước.
Các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM có nhiều sản phẩm hấp dẫn vào ban ngày nhưng đến tối khách chỉ có thể giải trí tại các quán bar, vũ trường. Hầu hết tỉnh thành chỉ dừng lại ở mô hình chợ đêm ngoài đường với hàng hoá, dịch vụ bình dân, chưa thu hút được dòng khách cao cấp với chất lượng như khu phố đi bộ Vương Phủ Tỉnh (Trung Quốc), Myongdong (Hàn Quốc), chợ đêm Ximending (Đài Bắc).
Theo ông Nguyễn Đức Chí, việc tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng là mục tiêu thay vì lý do biện minh cho hoạt động đầu tư, khai thác bừa bãi vì lợi nhuận nhất thời cho doanh nghiệp, bỏ quên cộng đồng và môi trường tự nhiên. Các sản phẩm du lịch cần nhiều hơn các doanh nghiệp uy tín, đẳng cấp để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh đó là sự quản lý chặt chẽ của lãnh đạo từ trung ương tới từng địa phương.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần hai sẽ diễn ra ngày 9/12 tại Hà Nội. Sự kiện là cuộc gặp gỡ, đối thoại công - tư cấp quốc gia, khu vực để thảo luận những vấn đề, giải pháp thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam.
Thông tin chi tiết về diễn đàn xem tại https://vief.vnexpress.net
Trần Trung