Thận trọng vượt qua giai đoạn thị trường chao đảo với những cơn sốt nóng chứng khoán, bất động sản năm 2007-2008, khủng hoảng kinh tế 2009-2011..., song DongA Bank đã mắc kẹt trong những cuộc chơi vàng và bất động sản giai đoạn sau này.
Với tiềm lực và sự hỗ trợ từ cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Đông Á cùng 4 nhà băng thương mại khác tham gia vào việc bình ổn thị trường vàng và được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài từ tháng 11/2011. Giá trị khoản mục vàng tiền tệ của DongA Bank cuối năm đó đạt hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 5 lần tiền mặt tại quỹ và tăng 35% so với cùng kỳ 2010.
Trước những bất ổn của thị trường, cơ quan quản lý sau đó quyết định siết chặt hoạt động kinh doanh vàng vào năm 2012, đưa ra thời hạn tất toán trạng thái đối với các ngân hàng là 30/6/2013. Để hỗ trợ các nhà băng tất toán, Ngân hàng Nhà nước khi đó cũng thực hiện bán vàng bình ổn ra thị trường.
Song song với việc hoàn trả vàng vật chất, các ngân hàng phải đàm phán với khách hàng để chuyển dư nợ huy động từ vàng sang tiền đồng. Đây là việc làm nhiều rủi ro trong bối cảnh lãi suất vàng và tiền chênh lệch lớn, và bản thân thị trường kim loại quý cũng "nhảy múa" suốt giai đoạn 2010-2013.
Áp lực tất toán trạng thái đã trở thành "ác mộng" với nhóm ngân hàng tham gia cuộc chơi khi có đơn vị ghi nhận lỗ từ kinh doanh vàng - ngoại hối hàng nghìn tỷ đồng. Với DongA Bank, khoản lỗ từ hạng mục này là 138 tỷ đồng năm 2012. Khoản mục vàng tiền tệ theo đó cũng giảm còn 2.300 tỷ đồng cuối năm đó và còn 14 tỷ đồng khi kết thúc 2013.
Khi dư âm của câu chuyện kinh doanh vàng dần lắng xuống thì DongA Bank lại phải chịu hệ quả của việc cho vay bất động sản, khi thị trường "ngủ đông" lâu hơn dự tính của những người chèo lái nhà băng.
Việc giao chỉ tiêu xuống cho từng chi nhánh, phòng giao dịch... khiến ngân hàng bắt đầu tiếp nhận nhiều khách hàng lớn nhưng tài chính bất ổn. Cho vay địa ốc những năm 2012-2013 chiếm khoảng 25-35% tổng dư nợ của DongA Bank, trong khi thị trường bất động sản vẫn ở giai đoạn "đóng băng".
Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận năm 2011 với gần 950 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của DongA Bank liên tục giảm, dù vẫn ghi nhận có lãi. Năm 2012, nhà băng lãi 577 tỷ đồng sau thuế. Con số này giảm còn hơn 300 tỷ vào 2013 và 27 tỷ đồng năm 2014. |
Mắc kẹt giữa việc khách hàng khó trả nợ và yêu cầu lợi nhuận, đảm bảo thu nhập cho cổ đông, bất ổn tại DongA Bank thể hiện rõ qua khoản mục lãi dự thu (lãi từ các khoản cho vay nhưng đến hạn chưa thu được) tăng liên tục qua các năm, trong khi thu nhập lãi thuần giảm.
Cụ thể, khoản dự thu tăng từ mức 1.000 tỷ đồng vào năm 2011 lên 4.000 tỷ đồng vào năm 2013. Ngược lại, thu nhập lãi và các khoản tương tự trồi sụt qua các năm quanh mức 7.000 tỷ đồng. Theo tính toán, cứ 100 đồng thu nhập từ lãi mà DongA Bank ghi nhận khi ấy, chỉ có khoảng 70 đồng là dòng tiền thực.
Từ năm 2011 sang 2012, nợ xấu của ngân hàng tăng gần 3 lần, lên 2.000 tỷ đồng và giữ ở mức này đến cuối năm 2014 theo số liệu công bố chính thức, tương đương tỷ lệ xấp xỉ 4% dư nợ. Trong thông báo mới nhất của mình, DongA Bank cho biết từ giữa tháng 8/2015 đến cuối tháng 11/2016, ngân hàng đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, so với con số xấp xỉ 2.000 tỷ cuối năm 2014, số nợ xấu phát sinh từ 2015 đến nay đã tăng lên đáng kể.
Trong khi đầu ra của đồng vốn còn nhiều bất cập, một vấn đề mà các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, DongA Bank cũng phải đối mặt như tất cả nhà băng khác suốt giai đoạn 2008-2012 là cuộc đua về lãi suất huy động. Do trần lãi suất chính thức bị khống chế, nhiều nhà băng khi ấy đã "chi ngoài" 4-5% lãi để hút vốn. Việc này làm nảy sinh những câu chuyện "tình ngay lý gian" khi các khoản chi của ngân hàng không thể hạch toán vào chi phí hợp lý.
Trước những bất ổn của DongA Bank, tháng 8/2015, cơ quan quản lý đã đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt, cùng với sự ra đi của hàng loạt lãnh đạo nhà băng. Nguyên Tổng giám đốc Trần Phương Bình, người cũng đã phải rời ngân hàng khi ấy đã có tâm thư xin lỗi các cổ đông và nhận trách nhiệm về sự sa sút của nhà băng.
"Trong quá trình điều hành, tôi đã đưa ra được những chiến lược, những chương trình hành động, đưa DongA Bank trở thành ngân hàng của đại đa số người dân Việt Nam, bao gồm công nhân, nông dân, phụ nữ, sinh viên, người về hưu… Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tôi cũng đã có những quyết sách, những hành động trong điều hành dẫn đến kết quả xấu như hiện nay", ông Bình viết.
16 tháng sau khi cơ quan quản lý đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) một lần nữa khiến dư luận chú ý khi những lãnh đạo cũ bị khởi tố, bắt tạm giam. Thông cáo được Ngân hàng Nhà nước phát đi cuối tuần trước khẳng định, việc điều tra không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà băng và thực tế sức khỏe của DongA Bank đã cải thiện nhiều sau hơn một năm đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt.
Thành lập đầu thập niên 90 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tiền thân là các công ty trực thuộc ban Tài chính của UBND TP HCM và quận Phú Nhuận, Ngân hàng Đông Á khi đó định hướng chính vào việc phát triển lĩnh vực bán lẻ, lấy nền tảng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương... Qua 2 thập kỷ, DongA Bank đã nâng quy mô vốn lên khoảng 5.000 tỷ đồng, trở thành một trong những nhà băng đi đầu về bán lẻ và áp dụng công nghệ thông tin. Tính đến năm 2015, nhà băng này có khoảng 7 triệu khách hàng - con số đáng kể so với những ngân hàng cùng quy mô. |
Minh Sơn