Một số quốc gia trên thế giới đang trải qua mùa cúm được các chuyên gia đánh giá là bất thường, với tỷ lệ dương tính và nhập viện cao đột biến. Nhiều cơ sở y tế quá tải vì ca bệnh nặng. Điều này hoàn toàn khác với mùa cúm các năm gần đây.
Đơn cử, tại Mỹ, tỷ lệ nhập viện do cúm đã vượt qua con số đỉnh điểm của làn sóng Delta trong đại dịch Covid-19, với 14,4 người trên 100.000 dân phải nhập viện trong khoảng thời gian từ 23/1 đến 1/2. Đặc biệt, California ghi nhận 10 ca tử vong ở trẻ em, trong đó riêng Quận San Diego có 3 ca, được các chuyên gia đánh giá là "một thảm kịch đáng lo ngại".
Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm đạt mức kỷ lục trong 25 năm qua. Chỉ trong một tuần, nước này phát hiện 317.000 ca dương tính tại 5.000 cơ sở y tế, trung bình 64,39 bệnh nhân mỗi cơ sở, gấp đôi ngưỡng cảnh báo. Tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch đã vượt 6 triệu người.
Tình trạng này dẫn đến khủng hoảng kép khi các bệnh viện và hiệu thuốc tại Nhật Bản rơi vào cảnh thiếu thuốc điều trị. Các hãng dược phẩm lớn như Sawai Pharmaceutical và Chugai Pharmaceutical buộc phải tạm ngừng cung cấp thuốc Tamiflu, khiến bệnh nhân không thể tự điều trị tại nhà, dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.
Việt Nam cũng ghi nhận các ca cúm mùa tăng cao. Đặc điểm nổi bật của đợt dịch này là xuất hiện nhiều ca bệnh có dấu hiệu trắng phổi trên phim chụp X-quang, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh nền. Đáng lưu ý, một số người trẻ cũng gặp biến chứng cúm nghiêm trọng do chủ quan.

Người dân trên đeo khẩu trang khi đi bộ tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, ngày 9/1. Ảnh: VCG
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Tiến sĩ, bác sĩ Joseph Khabbaza, khoa Chăm sóc đặc biệt tại Cleveland Clinic, nhận định mùa cúm năm 2025 tại Mỹ và Canada dài hơn so với bình thường, chia thành hai lần đạt đỉnh. Thông thường, virus hoạt động mạnh mẽ vào khoảng tháng 1 và đạt đỉnh vào cuối tháng này hoặc tháng 2.
Tuy nhiên, trong đợt dịch lần này, các ca bệnh tăng mạnh vào đầu tháng 12 rồi giảm nhẹ, sau đó tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, khi trẻ em trở lại trường học. Theo tiến sĩ Khabbaza, điều này có thể khiến dịch lây lan nhiều và mạnh hơn.
"Mùa cúm năm nay kỳ lạ chính vì hiện tượng đỉnh dịch kép này", ông nói.
Thứ hai, sự lưu hành đồng thời của nhiều chủng virus cúm, trong đó có các chủng độc lực cao như H3N2, đã làm tăng mức độ lây lan và nguy hiểm của dịch bệnh. Tại Mỹ, hai chủng cúm H3N2 và H1N1 cùng tồn tại với mức độ ngang nhau, điều hiếm thấy trong các mùa cúm trước đây. H3N2, vốn được biết đến với khả năng gây biến chứng nặng, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và người cao tuổi, đã khiến số ca nhập viện tăng mạnh.
Tiếp theo, tỷ lệ tiêm vaccine cúm thấp là một yếu tố đáng báo động. Tại Mỹ, chỉ khoảng 46% người dân tiêm vaccine cúm mùa, con số này giảm dần qua các năm sau đại dịch Covid-19. Tương tự, tại Canada, tỷ lệ tiêm chủng cũng chỉ đạt 42%, không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương trước các biến chứng nghiêm trọng của cúm. Các chuyên gia nhận định rằng phần lớn các ca bệnh nặng đều xảy ra ở những người không tiêm vaccine.
Ngoài ra, sự suy giảm miễn dịch cộng đồng sau thời gian dài phong tỏa và giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19 cũng là một nguyên nhân quan trọng. Việc ít tiếp xúc với các mầm bệnh trong giai đoạn này khiến hệ miễn dịch của nhiều người không còn đủ mạnh để đối phó với các chủng virus cúm mới.

Trưa 11/2, nhiều người dân tranh thủ thời gian nghỉ trưa đến Trung tâm tiêm chủng trên đường Thái Hà để tiêm cúm. Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo cho biết riêng cơ sở này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400-500 lượt khách, trong đó 90% là tiêm vaccine cúm. Nhiều bệnh nhân cũng đến tiêm cúm kết hợp với các loại vaccine khác như phế cầu, ung thư cổ tử cung. Ảnh: Giang Huy
Đặc biệt tại Nhật Bản, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 29% dân số cũng làm gia tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Thêm vào đó, sự xuất hiện đồng thời của nhiều bệnh truyền nhiễm khác như Covid-19, viêm phổi do mycoplasma và viêm dạ dày ruột đã tạo nên một "công thức thảm họa".
Các quốc gia đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine cúm, coi là ưu tiên hàng đầu. Việc giám sát và nghiên cứu các chủng virus cúm mới được tăng cường để dự đoán cũng như ứng phó kịp thời với các biến thể nguy hiểm. Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tụ tập đông người tiếp tục được giới chức khuyến cáo người dân thực hiện.
Thục Linh (Theo Today, CNN, NHK)