Có rất nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”: không còn yêu nhau nữa, ngoại tình... Trong số đó, theo các nhà tâm lý, coi thường bạn đời là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đổ vỡ trong hôn nhân.
Coi thường là gán cho bạn đời sự thua kém
Bạn có ý khẳng định rằng mình luôn giỏi hơn. Tuy bạn không nói ra nhưng điều đó có thể được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, biểu hiện trên khuôn mặt. Thậm chí một cái lừ mắt và nhếch mép cũng là dấu hiệu coi thường. Hoặc là vợ/chồng bạn sẽ không chịu nổi thái độ của bạn hoặc là với sự coi thường này, bạn sẽ không muốn tiếp tục kéo dài hôn nhân.
Coi thường là sự hình thành thứ bậc trong hôn nhân
Bất cứ một tổ chức nào với sự phân cấp cứng nhắc cũng không tồn tại được lâu. Hôn nhân cũng vậy. Sự coi thường đối với cả hai người trong cuộc đều có những tác động tiêu cực lên sức khỏe và thậm chí có thể ảnh hưởng tới hệ miễn dịch khi một người luôn có cảm giác sống trong sự coi thường.
Coi thường là dấu hiệu của tự cao
Sự coi thường xuất hiện ở người quá kiêu ngạo và tự mãn về bản thân. Người tự phụ có thể không bao giờ giữ được mối quan hệ trong hôn nhân. Kiêu ngạo và tự cao sẽ khiến cho mối quan hệ trở nên xấu đi.
Coi thường làm tổn thương bạn đời
Khi trong lòng bạn đang chất đầy sự coi thường với người “đầu gối tay ấp”, ly hôn không phải là quyết định khiến bạn đau khổ. Ngược lại, bạn chỉ mong được giải thoát hơn là cố gắng hàn gắn, nhưng có thể sau này bạn sẽ phải hối hận.
Coi thường không chỉ gây đổ vỡ trong hôn nhân mà còn khiến người kia bị tổn thương. Phải đối mặt với những lời chì chiết, miệt thị từ chính bạn đời, chồng/vợ bạn không thể sống một cuộc sống bình thường và bị dằn vặt bởi cảm giác thấp kém, thiếu tự tin.
Hải Ngân (Theo Magforwomen)