Trao đổi với VnExpress về băn khoăn của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân 10 năm qua TP Đà Nẵng không có Anh hùng Lao động, ông Đặng Chí Thanh, Trưởng Ban thi đua - khen thưởng thành phố lý giải danh hiệu này "tiêu chuẩn rất cao, rất khó đạt được và cũng không ai được trung ương đề nghị".
Theo ông Thanh, tiêu chuẩn Anh hùng Lao động đã được quy định cụ thể trong Luật. Trước đó năm 2000 Công ty Vận tải Đa phương thức Vietranstimex (đóng tại Đà Nẵng) nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. 3 năm sau ông Nguyễn Đăng Sâm, Tổng giám đốc công ty nhận danh hiệu tương đương.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết 10 năm qua dù địa phương không có người được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng Sở Nội vụ Đà nẵng đã cho ý kiến về hồ sơ phong Anh hùng Lao động cho ông Thân Đức Nam (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).
Ông Thân Đức Nam được nhận danh hiệu này vào tháng 1/2011, khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5). "Những đơn vị trung ương đóng trên địa bàn Đà Nẵng thì có lấy ý kiến của TP để hiệp y", ông Ngữ nói.
Ông Ngữ cho biết, ngay từ thời kỳ đầu khi trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Đà Nẵng nhận thức rằng "để một thời gian phấn đấu rồi nhận huân chương cao luôn", trong khi luật thi đua khen thưởng phải từ thấp đến cao. Do đó, Đà Nẵng vừa qua đề xuất danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới nhưng lại không đủ tiêu chuẩn, chỉ được nhận Huân chương Độc lập.
"Lãnh đạo đứng đầu thành phố thấy công việc mình làm chưa xứng tầm, chưa xứng đáng khen thưởng. Đó là một quan điểm rất khiêm tốn. Và khi tập thể chưa có thì cá nhân cũng rất khó. Nếu tập thể được thì vai trò của cá nhân khi đó mới được đề cao", ông Ngữ cho biết thêm.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng tiết lộ, khi còn đương chức, nhiều ý kiến đề xuất ông Nguyễn Bá Thanh nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Tuy nhiên ông Thanh lại khiêm tốn cho rằng "cứ làm đã, còn việc khen thưởng thì Trung ương biết sẽ ghi nhận". "Nếu có cơ chế cấp trên nhìn nhận, nhân dân đánh giá để trao danh hiệu này thì quá tốt", ông Ngữ nói.
Trong khi đó, tỉnh "láng giềng" Quảng Nam năm 2005 có ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP Hội An, được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động khi còn đương chức, vì đã có nhiều thành tích trong việc giữ gìn và bảo tồn Hội An. Từ đó đến nay, tỉnh này cũng không có thêm cá nhân được nhận danh hiệu này.
Ông Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam, cho biết phía tỉnh đã phát hiện, theo dõi và thấy ông Nguyễn Sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn thủ tục để trình ra Trung ương, không gặp phải khó khăn nào.
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Bạch Chơn Đông, Phó giám đốc phụ trách Sở Nội vụ, cho biết 10 năm trở lại đây địa phương chỉ có hai trường hợp được phong Anh hùng Lao động là Giáo sư Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, và tập thể trường Đại học Y dược Huế. Nhưng đây là hai trường hợp cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, phía Sở chỉ hiệp y hồ sơ.
Ông Đông nói, 15 trở lại đây, nhiều trường hợp ở Thừa Thiên Huế chưa xứng đáng nên tỉnh chưa làm thủ tục đề nghị ra Trung ương. "Tiêu chuẩn theo tôi là không cao lắm. Trước đây rất nhiều đơn vị ở địa phương như Chi cục Kiểm Lâm, Công ty cấp thoát nước... đã được nhận Anh hùng Lao động", ông Đông nói thêm.
Trước thực trạng nhiều người chạy khen thưởng, ông Đặng Công Ngữ cho biết chính thủ tục nặng nề, phải kê khai, báo cáo thành tích dài dòng khiến những người có năng lực cũng không dễ gì được phê chuẩn.
Tiêu chuẩn xét danh hiệu Anh hùng lao động
Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chiều 5/10, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (Phó chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương), băn khoăn khi Đà Nẵng suốt 10 năm qua có nhiều thành tích về mọi mặt nhưng không có Anh hùng Lao động. Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết thành phố đang làm hồ sơ để trình ra Trung ương, đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. |
Nguyễn Đông