Chiều 10/5, ông Đỗ Thành Tuấn (50 tuổi), con trai chủ căn nhà nằm giữa đường Võ Văn Kiệt hơn hai thập kỷ qua, cho biết khu đất rộng khoảng 1.000 m2 được gia đình cải tạo và cất nhà từ năm 1986. Lúc đó phần đất này là ao hồ, trong nhiều năm họ phải tốn hàng trăm triệu đồng để san lấp. Năm 1999, cơ quan chức năng thông báo khoảng 400 m2 của gia đình sẽ bị thu hồi để làm dự án khu trung tâm hành chính.
"Tuy nhiên sau đó chính quyền lại cấp phần đất đã thu hồi của nhà tôi cho hai người khác và bồi thường mỗi người hơn 3 tỷ đồng sai quy định khi làm tuyến đường hiện giờ", ông Tuấn nói và cho biết thời điểm đó gia đình được hứa khi giao đất sẽ nhận lại một nền tái định cư ngang 5 m, dài 16 m, cùng việc hỗ trợ mua thêm một nền khác với giá ưu đãi.
Ông Tuấn cho rằng phần đất của gia đình nằm ngay trung tâm hành chính. Do đó việc chính quyền lấy đất của nhà ông giao cho người khác là không thỏa đáng. Nhiều năm qua gia đình ông không chịu di dời và khiếu nại kéo dài. "Tôi chỉ đồng ý giao mặt bằng khi được bồi thường 100 tỷ đồng, trong đó gồm thiệt hại về kinh tế và tinh thần của gia đình hơn 20 năm qua", ông Tuấn nói.
Cách đó khoảng 200 m, phần diện tích gần 200 m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Hường nằm giữa đường suốt nhiều năm không thể giải toả do chưa thống nhất được mức bồi thường. Từ năm 2006, thành phố Bạc Liêu nhiều lần giải quyết yêu cầu, khiếu nại của gia đình, song đến nay hai bên không tìm được tiếng nói chung. Đại diện gia đình bà Hường cho biết không muốn tiếp tục khiếu kiện, nhưng chỉ giao mặt bằng khi chính quyền đưa ra phương án bồi thường hợp lý.
Do không thể giải toả hai căn nhà nói trên, đường Võ Văn Kiệt dài khoảng hai km, rộng hơn 30, dẫn vào trung tâm hành chính của tỉnh, được xây dựng hơn 20 năm qua không thể thông tuyến. Trên đoạn đường ngắn vướng hai căn nhà nằm hai bên, xe cộ đi lại khó khăn, có đoạn phải chạy ngược chiều.
Theo chính quyền tỉnh Bạc Liêu, tuyến đường khi triển khai ảnh hưởng 62 hộ dân, đến nay 60 hộ bàn giao mặt bằng. Do hai hộ dân không hợp tác, cơ quan chức năng hiện chưa thể vào để đo đạc diện tích thực tế cần giải phóng mặt bằng để làm đường.
Một hộ dân có gần 300 m2 đất trên tuyến bị thu hồi để làm dự án cho hay hầu hết bà con đồng tình với việc mở đường thông thoáng như hiện nay. "Trước đây khu vực này là ao đìa chứ không được khang trang như bây giờ. Việc mở đường giúp người dân thuận lợi sinh hoạt, buôn bán", người này nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nói địa phương sẽ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng có lợi cho người dân nhưng phải đúng quy định. Hiện, chính quyền tiếp tục vận động hai hộ dân chấp hành, trả lại sự thông thoáng cho tuyến đường. Nếu chủ hai căn nhà không hợp tác, biện pháp cuối của tỉnh là cưỡng chế. Tỉnh cũng sẽ xử lý trách nhiệm các cán bộ làm sai khi thu hồi đất hai hộ trong giai đoạn trước đây.
Tại cuộc họp báo chiều 9/5, đại diện UBND tỉnh chưa giải đáp các câu hỏi liên quan dự án như quy mô, quá trình giải phóng mặt bằng và những vướng mắc, sai sót khi triển khai.
An Minh