Nhân tiện biết GS được nhà nước đặc cách phong hàm GS, tôi có đôi điều suy nghĩ sau:
Hiện nay tôi biết có rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đang làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, họ cũng còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết khoa học như GS Châu. Họ hiện đang là GS hoặc là Giảng viên ở các trường ĐH lớn trên thế giới với hàng chục công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế (tôi cũng là một trong số đó). Nhưng hầu hết họ đều chưa có ý định về làm việc và cống hiến cho đất mẹ thân yêu. Và như vậy, chúng ta đã để chảy máu một lượng chất xám rất lớn. Tôi nghĩ đó cũng là lý do chính đến nay chúng ta chưa có lấy được một trường ĐH, viện nghiên cứu nằm trong nhóm 2000 của thế giới.
Tôi cũng được biết họ rất yêu đất mẹ Việt Nam và sẵn sàng cống hiến nhưng vấn đề là chúng ta chào đón họ như thế nào. Tôi đã đọc và nghe rất nhiều các phát biểu về thu hút nhân tài về phục vụ đất nước nhưng tôi khẳng định đó hoàn toàn là các lời nói suông, hoặc là chúng ta không biết hoặc không muốn thực hiện điều đó một cách triệt để. Chúng ta không cần học hỏi đâu xa mà nên học hỏi cách chiêu dụng nhân tài của chính nước Trung Quốc láng giềng.
Với tôi, thực sự tôi rất muốn toàn tâm toàn lực cống hiến cho khoa học Việt Nam nhưng vì rất nhiều lý do nên tôi vẫn chưa thực hiện. Có lẽ nhiều người nghĩ lý do chính liên quan đến tiền bạc, lương bổng. Nó quan trọng đấy nhưng không quyết định. Cái quyết định là nhà nước Việt Nam tạo điều kiện và đối xử với chúng tôi thế nào. Với những người có số công trình nghiên cứu khoa học quốc tế như tôi, chắc chắn tôi có thể trở thành PGS, GS ở các trường ĐH nước ngoài, và thực tế như vậy. Còn ở VN tôi làm gì? Về các trường ĐH thì tôi chỉ là một giảng viên rồi cũng trở thành một cái máy dạy không hơn, không kém. Vì tôi nói thật, để được phong GS ở VN có lẽ khó hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Nhưng thực tế các tiêu chuẩn đó chỉ phù hợp với riêng VN và rất không khoa học. Đó cũng là lý do tại sao số công trình nghiên cứu của GS Việt Nam trên diễn đàn khoa học quốc tế rất ít.
Thiết nghĩ, nếu lãnh đạo Việt Nam muốn chiêu mộ nhân tài cần phải có kế hoạch rõ ràng và cơ chế thoáng hơn. Ví như tôi, chẳng dại gì tôi về Việt Nam để nhận mức lương rất thấp mà chẳng ai coi trọng mình. Vì như tôi nói, nếu chiếu theo quy định phong GS, PGS ở Việt Nam thì chẳng ai như tôi và GS Châu được công nhận cả. Chúng tôi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài thì tìm đâu ra đề tài cấp nhà nước, tìm đâu ra sinh viên Việt Nam để hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ và tìm đâu ra số giáo trình nhiều như quy định (ở nước tiên tiến, một GS trong đời viết được 2 quyển sách là nhất rồi).
Chúng ta phải thay đổi quan điểm, nhất là trong việc phong GS, PGS thì mới có thể thu hút được người tài!
Nguyen Hung