UBND TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương thí điểm dịch vụ xe đạp trên địa bàn theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, triển khai trước 15/12/2022. Tuy nhiên, dịch vụ này bị trì hoãn đến tháng 1/2023 và đến nay chưa thực hiện.
Sáng 5/7, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam - đơn vị thực hiện dự án dịch vụ ở Hà Nội, giải thích do doanh nghiệp muốn phát triển thêm xe đạp điện trợ lực, có tay ga. Đây là mô hình mới, chưa từng triển khai trong nước nên cần nghiên cứu để tối ưu phương án vận hành, thiết kế. Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, xe đạp điện thiết kế cũng cần phù hợp để chống han gỉ.
Ông Dân cho hay doanh nghiệp đã chạy thử nghiệm xe đạp điện trợ lực và cho kết quả tốt. Xe được thiết kế gần giống với xe đạp thông thường, nhưng là vành đúc, có thêm pin và tay ga. Khi đi hết pin, xe vẫn có thể đạp để di chuyển tới bến đỗ. Để tránh đổ mồ hôi, kịp giờ đến cơ quan, công sở, người thuê có thể sử dụng xe đạp điện tốc độ nhanh hơn để đi làm vào buổi sáng, song buổi chiều có thể sử dụng xe đạp thông thường nhằm rèn luyện sức khỏe.
Khoảng 100 xe đạp điện trợ lực sẽ được nhập về Việt Nam vào tháng 8 tới, sau đó sẽ phân bổ đều tới các điểm cho thuê, bên cạnh 500 xe đạp thông thường. Nếu được người dân đánh giá tích cực, doanh nghiệp sẽ nhập thêm khoảng 400 xe điện trợ lực, ông Dân cho biết.
Một lý do khác khiến dịch vụ chậm trễ là theo kế hoạch có 79 trạm cho thuê, TP Hà Nội đã bàn giao xong mặt bằng, tuy nhiên Tập đoàn Trí Nam mới thi công được 16 trạm. "Chúng tôi cũng muốn chờ nghiên cứu xong mô hình xe đạp điện trợ lực. Tiến độ đang được đẩy nhanh, dự kiến ngày 10/8 sẽ xong hết 79 trạm và dịch vụ thuê xe đạp tại Thủ đô sẽ bắt đầu từ cuối tháng 8", ông Dân nói.
Các trạm cho thuê cách nhau khoảng một km, được đặt tại những điểm đông dân cư, đi qua danh lam thắng cảnh, kết nối phụ trợ cho xe buýt và đường sắt trên cao. Các xe cho thuê được để tự do, người thuê không cần đặt cọc, chỉ nạp 10.000 đồng vào app thuê xe là có thể sử dụng dịch vụ. Trường hợp chạy quá số tiền đã nạp, người thuê có thể nạp bù vào lần tiếp theo.
Với mong muốn tạo thành tour tham quan các điểm du lịch bằng xe đạp, ông Dân nói tập đoàn chấp nhận thu hồi vốn lâu, bước đầu có thể không có lãi.
Trước Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam đã triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp tại nhiều tỉnh thành phố, trong đó có TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng. Giá thuê với xe đạp thông thường là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/30 phút với xe đạp điện.
Việt An