Tất cả cha mẹ đều có nhiều kỳ vọng về đứa con mình đẻ ra và nuôi nấng hết tâm sức. Tuy nhiên, khi con trưởng thành không đáp ứng được những kỳ vọng đó, nhiều cha mẹ trở nên mâu thuẫn, xung đột, thậm chí mất kết nối với con.
Trong khi đó, con cái ở độ tuổi trưởng thành khát khao quyền tự chủ và đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Sự thúc đẩy liên tục giữa mong muốn của cha mẹ và mong muốn của con cái dẫn đến sự khó hòa hợp giữa hai thế hệ.
Theo các chuyên gia, có các lý do phổ biến dẫn đến sự thiếu hòa hợp giữa cha mẹ và con cái.
Khoảng cách thế hệ
Các chuyên gia xã hội học từ lâu đã khẳng định lý do chính khiến cha mẹ và con cái trưởng thành thường gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ hòa thuận là khoảng cách thế hệ.
Khoảng cách này phản ánh những trải nghiệm, giá trị và kỳ vọng khác biệt được định hình bởi các thời đại khác nhau. Cha mẹ có vô số kiến thức và trí tuệ thu được từ hành trình cuộc đời của họ, trong khi những đứa trẻ trưởng thành thu nạp những góc nhìn mới mẻ chịu ảnh hưởng của xã hội hiện đại. Những quan điểm trái ngược này đôi khi có thể tạo ra xích mích, hiểu lầm và cảm giác mất kết nối.
Nuôi dưỡng một mối quan hệ tích cực đòi hỏi sự cởi mở, đồng cảm và nỗ lực thực sự để thu hẹp khoảng cách thế hệ bằng sự hiểu biết, tôn trọng và đánh giá cao những quan điểm và kinh nghiệm độc đáo của nhau. Bằng cách chấp nhận sự đồng cảm và giao tiếp cởi mở, cả hai bên có thể xây dựng một mối quan hệ bền chặt hơn, vượt qua sự khác biệt về thế hệ.
Các vấn đề chưa được giải quyết và các kỳ vọng khác nhau
Theo nhà văn Ruth Schimel, lý do phổ biến khiến con cái trưởng thành và cha mẹ không hợp nhau thường là do những vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ và những kỳ vọng khác nhau. Thiếu thời gian đầu tư để lắng nghe nhau trong suốt quá trình dài cũng góp phần gây ra những hiểu lầm và oán giận sâu sắc. Điều này có thể dẫn đến việc hai phía "không thể nào nói chuyện".
Các vấn đề từ phía cha mẹ: hay phán xét, muốn kiểm soát
Theo chuyên gia tâm lý Merle Yost (Mỹ) trách nhiệm của cha mẹ là giúp tạo ra một người trưởng thành và đưa họ vào thế giới để họ có thể tự chăm sóc bản thân. Điều cần thiết là cha mẹ phải biết lùi lại và cho phép đứa trẻ trưởng thành tự đưa ra quyết định và học cách đứng lên sau sai lầm của mình, đó là một phần của quá trình trưởng thành.
Cha mẹ có thể cho lời khuyên hoặc gợi ý nhưng việc can thiệp vào cuộc sống của đứa trẻ trưởng thành có thể đẩy chúng ra xa và tạo ra một mối quan hệ có vấn đề. Cách đối xử này cũng truyền thông điệp đến đứa con rằng cha mẹ không tin tưởng chúng, không cho chúng là người lớn.
Các bậc cha mẹ muốn kiểm soát cuộc sống của con khi chúng còn nhỏ cũng sẽ có xu hướng muốn kiểm soát cuộc sống của những đứa con đã trưởng thành. Họ không để con mình học hỏi, sai lầm, họ coi những đứa con trưởng thành của mình là "đứa trẻ to xác". Họ kỳ vọng rằng con nên làm những gì họ cho là đúng hoặc những gì họ khuyên, đặc biệt là về các mối quan hệ và các quyết định nuôi dạy con cái.
Theo huấn luyện viên về các mối quan hệ Kathy Ramsperger, những bậc cha mẹ đầu tư nhiều vào cuộc sống của chính họ thay vì đầu tư vào cuộc sống của con cái thường hạnh phúc hơn và con cái của họ cũng vậy.
Các vấn đề từ con
Tuổi trưởng thành được cho là khi những đứa trẻ trở nên độc lập. Quá trình chuyển đổi này từng được cho là xảy ra vào khoảng 18 tuổi. Tuy nhiên, trong xã hội ngày này, một số người trưởng thành vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ của họ ngay cả khi đã lớn tuổi.
Trên thực tế, nhiều người trẻ trưởng thành đang phải đối mặt với thực tế rằng chúng không dễ dàng độc lập như chúng nghĩ. Trong khi đó, các bậc cha mẹ đang phải đối mặt với những nhu cầu ở con cái mà bản thân họ không trải qua.
Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học, diễn giả người Mỹ Patricia O'Gorman, việc làm thế nào để vượt qua những rào cản này và thể hiện tình yêu thương là một thách thức với cả con cái trưởng thành và cha mẹ.
Thùy Linh (Theo Yourtango)