Cho tới đầu thế kỷ XX, cảnh sát kỵ binh là một lực lượng không thể thiếu tại một số nước châu Âu vì điều kiện đường xá còn kém, khu vực nông thôn có diện tích rộng. Theo chân chủ nghĩa thực dân của các nước châu Âu, lực lượng cảnh sát kỵ binh cũng dần được thành lập tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Nhưng ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện vận chuyển hiện đại, tại sao một số nơi ở Mỹ vẫn để cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra trên lưng ngựa?
Quãng đường di chuyển trung bình của một cảnh sát sử dụng ngựa sẽ tương đương 10 cảnh sát đi bộ, theo Dmagazine. Từ trên lưng ngựa, cảnh sát có lợi thế về tầm nhìn, từ đó theo dõi sự việc trong phạm vi rộng. Vị trí ngồi trên cao của cảnh sát còn giúp người dân nhìn thấy lực lượng chức năng từ xa, có thể nhanh chóng cầu cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của cảnh sát trên lưng ngựa còn có hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Một khi đã bị cảnh sát kỵ binh truy đuổi, kẻ phạm tội ít có khả năng chạy nhanh hơn. Trong một số trường hợp, đơn vị cảnh kỵ còn được dùng để kiểm soát hoặc giải tán đám đông tụ tập gây mất trật tự công cộng.
Nhưng có lẽ tác dụng quan trọng nhất của lực lượng cảnh kỵ được cho là nằm ở việc gây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cảnh sát và quần chúng. Paul J. Browne (Phó tổng thanh tra cảnh sát thành phố New York), từng nói đùa rằng con ngựa của đơn vị "được chụp ảnh nhiều hơn cả Kim Kardashian".
Còn theo trung úy Joseph McBride (đơn vị cảnh sát kỵ binh, sở cảnh sát thành phố Philadelphia), khi người dân tới gần và khen con vật, anh thường nhân cơ hội hỏi han tình hình an ninh tại địa phương.
Tương tự, một cảnh sát kỵ binh quận New Castle, bang Delaware cũng cho biết người dân một số khu vực không thích ra ngoài giao lưu với cảnh sát vì sợ bị coi là "kẻ xì đểu", nhưng họ sẽ lại gần vuốt ve con ngựa, từ đó chia sẻ thông tin về các vụ xả súng, án mạng, mua bán ma túy...
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng việc tuần tra trên lưng ngựa chỉ là "thứ cảm xúc hoài cổ có tính phô trương" hơn là ứng dụng thực tiễn. Nhiều thành phố đã cắt giảm lực lượng hoặc ngừng vận hành đội cảnh sát kỵ binh vì thiếu chi phí duy trì, chưa kể chi phí huấn luyện đặc biệt. Để khắc phục việc này, nhiều địa phương đã nghĩ ra cách xin tài trợ kinh phí và xin quyên góp ngựa từ nhiều nơi trên Mỹ để tiếp tục duy trì lực lượng tuần tra trên lưng ngựa.
Quốc Đạt (Theo New York Times, Localish, NCCDE)