Khi đại dịch bùng phát, học sinh chuyển sang học tại nhà, nhiều trường học ở Mỹ trang bị các công cụ học tập trực tuyến như Chromebook (máy tính xách tay sử dụng hệ điều hành Chrome OS do Google phát triển) và trẻ em đã quen sử dụng. Nhưng giờ đây, khi hầu hết trường học đã mở cửa, thiết bị công nghệ vẫn tiếp tục tồn tại trong các lớp học, khiến một số chuyên gia lo ngại.
Annalise Caron là nhà tâm lý học lâm sàng, giám đốc của CBT Westport, một cơ sở thực hành tâm lý tư nhân ở Connecticut, Mỹ. Bà chia sẻ quan điểm vì sao cần đưa công nghệ ra khỏi trường tiểu học.
Vào một chiều tháng 1 năm ngoái, con gái tôi (lúc đó đang học lớp 4) trở về nhà từ lớp học hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) và kể rằng mình đã có một ngày tồi tệ. Con bé bị cô giáo bắt đọc sách để tìm câu trả lời sau khi để quên Chromebook ở nhà.
"Tìm kiếm mọi thứ trên Google dễ dàng hơn rất nhiều bởi vì con có thể tra được câu trả lời ngay lập tức", con bé phân bua.
Việc con bé coi "phải đọc sách" là vấn đề tồi tệ khiến tôi cảm thấy rất đáng lo ngại, nhưng quan điểm của nó cũng có phần hợp lý. Lớp tiểu học của con đã thay đổi đáng kể so với trước khi đại dịch hoành hành. Thật không may, Google bây giờ đã trở thành một phần của trạng thái "bình thường mới".
Năm 2020, phản ứng của các trường học trước đại dịch và những hậu quả tồi tệ kéo theo đối với ngành giáo dục đã đánh dấu một tiền lệ khó tưởng. Các trường đóng cửa và giáo viên buộc phải giảng dạy chủ yếu trên không gian mạng bởi mô hình này an toàn hơn cho sức khỏe thể chất. Công nghệ là yếu tố cần thiết và bộ não con trẻ chúng ta chính là những chú chuột bạch.
Mặc dù phương pháp này không hề hoàn hảo và đạt mức độ thành công chênh lệch ở từng nơi, nỗ lực lớn của các trường học giúp hàng triệu trẻ em không bị gián đoạn học tập. Nhưng giờ đây, khi các mô hình dạy học thuần trực tuyến hay kết hợp trực tuyến và trực tiếp hầu hết đã tạm dừng, thì các thiết bị công nghệ giáo dục vẫn tồn tại ở nhiều cấp học. Tại sao lại như vậy?
Trước đại dịch, trẻ em tiểu học là nhóm ít có cơ hội sử dụng thiết bị công nghệ tại trường và được dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể chất nhất. Lứa tuổi này được khuyến khích đọc sách in, cầm bút chì và sử dụng học cụ trong giờ học.
Điều này không phải tình cờ mà có. Nghiên cứu giáo dục và phát triển trí não cho thấy màn hình điện tử nên được sử dụng một cách thận trọng ở độ tuổi này. Giáo dục tiểu học đã luôn ưu tiên kỹ năng đọc, nghĩ và viết trước khả năng sử dụng máy tính. Mặc dù máy tính vẫn được trang bị trong thư viện hay phía sau lớp học, chúng hiếm khi là trọng tâm chính của chương trình giảng dạy ở những năm học đầu tiên.
Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ nhỏ thiếu đi sự chỉ dẫn mang tính nền tảng từ giáo viên và đang phải chống chọi với nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần ở tần suất cao gấp đôi mức trước đại dịch. Bây giờ, Chromebook và iPad trở lại trường học cùng với trẻ, làm thay đổi cảnh quan của nhiều lớp tiểu học theo hướng tiêu cực.
Khi một đứa trẻ bị bong gân mắt cá chân vì đá bóng, bác sĩ chỉnh hình không bao giờ bảo chúng đeo nẹp rồi quay trở lại chơi. Họ sẽ chỉ định chúng nghỉ ngơi, chườm đá, đeo băng ép và gác cao chân. Bởi lẽ, chấn thương do bong gân mà không được điều trị sẽ có thể làm trầm trọng nhiều vấn đề về mắt cá chân như đau, sưng, thậm chí là viêm khớp.
Các bộ não đang phát triển cũng không mấy khác biệt. Não của trẻ cần được nghỉ ngơi, kết nối và làm quen lại với việc học sau một năm rưỡi qua. Nguy cơ của sự gia tăng phụ thuộc vào việc học qua máy tính là thời gian nghỉ ngơi cả về thể chất và tinh thần sẽ không được trọn vẹn và việc học bị ảnh hưởng.
Khi có máy tính trên bàn, trẻ thường có xu hướng mất tập trung và không theo dõi giáo viên một cách hiệu quả. Chúng cũng thường truy cập các trang web khác, chơi điện tử và nhắn tin riêng trong giờ học.
Tác động của màn hình điện tử đối với sự phát triển của não bộ là rất đa dạng, nhưng một số phát hiện chỉ ra rằng chúng khiến trẻ bị kích thích quá mức, giảm tốc độ chú ý và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đọc hiểu. Vào năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn nghiêm ngặt về việc sử dụng màn hình điện tử, đặc biệt lưu ý rằng sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật số cũng làm giảm trí nhớ ngắn hạn và gia tăng các vấn đề tâm lý.
Chúng ta cũng không được quên giáo viên - những người đã phải chịu căng thẳng cao độ trong suốt 18 tháng qua. Hầu hết trong số họ đã phải đổi mới hoàn toàn phương pháp giảng dạy và cùng một lúc gánh vác những căng thẳng đến từ đại dịch và chuyện gia đình. Họ trở lại trường vào mùa thu này với một lứa học sinh không chỉ thiếu nhiều chỉ dẫn cần thiết mà cả các kỹ năng độc lập phù hợp với cấp học.
Giáo viên của con gái tôi cho biết rằng lứa học sinh lớp 5 năm nay thiếu tính độc lập hơn và cần được hỗ trợ nhiều hơn so với các lứa trước. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi năm học trực tiếp trọn vẹn gần nhất của chúng là lớp hai. Đây lại là một gánh nặng nữa mà các giáo viên phải nhận để giúp học sinh quay trở lại kịp với tiến độ học tập.
Chúng ta có còn nghĩ rằng việc làm bài tập trên giấy là một rủi ro Covid-19 không? Nếu không, hãy để con em mình học viết hoàn toàn trên giấy và trau dồi kỹ năng đọc bằng những cuốn sách không phát ra ánh sáng xanh.
Hãy cho phép giáo viên làm những gì họ vẫn luôn làm - dạy học sinh, phản hồi với chúng và di chuyển quanh chúng trong lớp học. Kể từ giờ, hãy để trẻ xây dựng mối quan hệ 1-1 với giáo viên chứ không phải với máy tính.
Chỉ vài tuần trước, giáo viên dạy môn xã hội học ở trường trung học cơ sở của con trai tôi đưa ra một yêu cầu thú vị trong lớp học mở trực tuyến. Thầy giáo yêu cầu phụ huynh khuyến khích con mình không chỉ "google mọi thứ" mà còn phải suy nghĩ sâu sắc và cân nhắc về nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Đấy là thầy đang nói về một lứa học sinh đã học xong tiểu học trước khi đại dịch bắt đầu. Hãy tưởng tượng xem, thầy còn phải chứng kiến những gì khi lứa học sinh của con gái tôi bắt đầu vào trung học.
Ngọc Mai (Theo Washington Post)