Trong phần thi chung kết cầu thăng bằng nữ hôm 5/8, VĐV Mỹ Sunisa Lee lộn ngược ba vòng liên tiếp, rồi đặt được hai chân lên cầu. Nhưng đột nhiên cô bị trượt ngã, dập đùi vào cầu và rơi xuống thảm. Dù nhanh chóng đứng dậy, leo lên cầu để thực hiện nốt bài thi, Lee chỉ được chấm 13,1 điểm và đứng thứ sáu nên không giành huy chương.
Không riêng Lee, sáu trong tám người thi chung kết nội dung này đều có lúc bị ngã, điều hiếm thấy ở những VĐV đỉnh cao. Trong nhóm này có ngôi sao đã giành bảy HC vàng Olympic như Simone Biles.
Ở chung kết xà đơn nam sau đó, cũng có tới sáu trong tám VĐV bị ngã khi bám trượt xà, rơi xuống đệm. Trong đó, đương kim á quân như Tim Srbic thậm chí hai lần bị rơi. Hiện tượng này khiến nhiều khán giả tò mò, kêu gọi ban tổ chức điều tra nguyên nhân.
Theo các chuyên gia trên kênh truyền hình Mỹ NBC, thiết bị thể dục dụng cụ tại Olympic 2024 được một công ty Bỉ cung cấp miễn phí cho chủ nhà. Công ty này kiếm lời bằng cách bán các thiết bị này cho những quốc gia nào cần để VĐV tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội.
Vấn đề nằm ở chỗ các thiết bị do công ty này cung cấp không hoàn toàn giống những dụng cụ quen thuộc với các VĐV. Với chiếc cầu thăng bằng cho nữ, hai cạnh dài trên mặt cầu được làm tròn hơn so với thông thường. Điều này giúp các VĐV tránh bị chấn thương nặng khi ngã vào mép cầu. Tuy nhiên, diện tích mặt cầu cũng bị giảm đi, khiến nhiều VĐV có thói quen đặt chân xuống mép cầu dễ bị ngã.
Với xà đơn nam, cựu vô địch thế giới Beth Tweddle bình luận trên truyền hình Anh BBC, rằng chỉ cần các dây cố định xà bị lắp quá căng, cũng sẽ khiến xà cứng hơn, giảm tính đàn hồi và khiến các VĐV bị ngã. Cũng không loại trừ khả năng họ chưa quen với dụng cụ của công ty Bỉ, do liên đoàn chưa kịp sắm thiết bị tập luyện trước Thế vận hội.
Srbic thì cho rằng thanh xà mềm hơn một chút so với thiết bị anh tập luyện trong những tuần trước thềm Olympic 2024. "Các VĐV cứ liên tục bị ngã, bắt đầu với Tang Chia-hung", anh nói trên báo Croatia HGS. "Phải có tới năm, sáu người bị rơi xuống, mà tôi không hiểu vì sao, bởi các VĐV thể dục dụng cụ hiếm khi bị ngã. Tôi thậm chí chưa từng ngã trong lúc tập hay thi đấu, nhưng giờ lại rơi xuống hai lần".
Srbic cho biết khi thấy nhiều VĐV bị ngã, anh đã do dự và muốn giảm độ khó bài thi. Nhưng sau đó, á quân Olympic Tokyo nghĩ đây là cơ hội không thể tốt hơn để đoạt HC vàng, nên giữ nguyên độ khó. Trong lần ngã đầu tiên, anh tung người lên cao và trong lúc rơi xuống đã không bám được xà. "Tôi cứ đinh ninh sẽ bám được xà nhưng hóa ra lại nắm hụt ở khoảng cách không nhỏ", anh nói thêm.
Vấn đề thiết bị thể dục dụng cụ cũng từng gây tranh cãi tại Olympic Sydney 2000, đặc biệt ở nội dung nhảy chống. Khi đó, bục chống được lắp đặt hơi cao so với bình thường, khiến nhiều VĐV bị ngã, thậm chí có trường hợp chấn thương. Hiện tượng này cũng từng xảy ra tại giải thế giới.
Lee thì không đổ lỗi cho thiết bị, mà cho rằng vấn đề nằm ở tâm lý các VĐV trước không khí trong phòng thi. "Chúng tôi đều cảm thấy căng thẳng trong phòng thi, vì khán giả được yêu cầu giữ im lặng", VĐV Mỹ gốc Lào nói. "Nhưng trong lúc thi, thỉnh thoảng có người hét lên cổ vũ, khiến những người khác huýt sáo ra dấu cho họ im lặng, nhưng khiến chúng tôi mất tập trung. Chúng tôi không thích như vậy, mà muốn nghe thấy tiếng các đồng đội cổ vũ".
Biles cũng cảm thấy không khí thi đấu quá yên tĩnh, đến nỗi cô nghe thấy tiếng thở của bản thân. Cô đã đề xuất ban tổ chức phát nhạc trong lúc thi, nhưng không được đáp ứng. Văn hóa cổ vũ của Pháp là giữ im lặng trong lúc VĐV thi, và họ sẽ chỉ hô vang lên sau khi thí sinh kết thúc phần biểu diễn.
Một lý do khác cũng được giới chuyên môn lý giải, là các VĐV đã cảm thấy mệt mỏi vì đó là ngày thi cuối của thể dục dụng cụ. Những VĐV này đều đã thi nhiều ngày liên tiếp ở các nội dung khác nhau, nhưng đến ngày cuối mới xuất hiện nhiều sai số.
Môn thể dục dụng cụ nghệ thuật diễn ra từ 27/7 đến 5/8, với 14 bộ huy chương đã trao, trong đó Mỹ dẫn đầu với ba HC vàng, một bạc, sáu đồng.
Xuân Bình